Trước tình hình đó, hệ thống khuyến nông đã nhanh chóng vào cuộc; tích cực hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật và đồng hành cùng người dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi, khắc phục hậu quả sau mưa lũ.

 

Mưa lũ đã làm cho hơn 8.000m2 bí xanh, mướp của gia đình ông Lã Anh Hoạt, tổ 11, thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên cũng như nhiều hộ dân khác của tổ bị ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng. Được cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, các biện pháp khắc phục cây trồng sau mưa lũ, ông Hoạt và các hộ dân yên tâm hơn phần nào, bởi rau màu là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây.

 

Ông Lã Anh Hoạt cho biết được anh em trong hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến huyện hướng dẫn chăm sóc khắc phục kịp thời, bà con đã áp dụng kỹ thuật chăm sóc để cho cây bí hồi sinh.

leftcenterrightdel

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn các hộ chăm sóc cây trồng sau lũ 

 

Mưa lớn cũng làm hàng trăm hecta lúa, rau màu, cây ăn quả của các địa phương bị ảnh hưởng. Nhằm đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ, hệ thống Khuyến nông các cấp trong tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình thiệt hại để đưa ra giải pháp khắc phục trong từng lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.

 

Bà Phạm Thị Thoa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang chia sẻ, cán bộ khuyến nông tỉnh tập trung giúp đỡ, hỗ trợ bà con tiêu độc khử trùng, xử lý chuồng trại, xử lý môi trường, phun phòng dịch bệnh, dọn dẹp đất trồng. Đối với diện tích cây trồng không có khả năng phục hồi, cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con chuyển đổi sớm sang cây trồng khác cho phù hợp, những diện tích còn khắc phục được thì tiếp tục chăm sóc để tận thu.

 

Với sự vào cuộc của hệ thống khuyến nông; sự chủ động tích cực của bà con nông dân, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sớm được phục hồi, nhanh chóng tái sản xuất để thực hiện thắng lợi vụ Đông năm 2024.

Hoàng Ngọc Tuyên

Trung tâm Khuyến nông Hà Giang