Ngày 09/10/2024, tại Hải Dương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm - Viện Khoa học và Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Phát triển các sản phẩm chế biến từ lúa gạo nhằm nâng cao giá trị sản xuất ngành lúa gạo Việt Nam”.
Tham gia tọa đàm có các chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Nam Định và một số nông dân, hợp tác xã tiêu biểu tại vùng Đồng bằng sông Hồng.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Khanh, Viện trưởng Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm đã nhấn mạnh thực trạng ngành lúa gạo Việt Nam, trong đó chỉ ra rằng lúa gạo chủ yếu mới chỉ được sản xuất ở mức sơ chế mà chưa được chế biến sâu. Ông kêu gọi các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ để phát triển các sản phẩm chế biến từ lúa gạo nhằm nâng cao giá trị kinh tế và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Thành Luân, đại diện Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm đã giới thiệu một số giống lúa mới được nghiên cứu và phát triển phục vụ cho sản xuất tại các tỉnh phía Bắc. Nhóm giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (135-140 ngày trong vụ xuân, 110-115 ngày trong vụ mùa), năng suất khá cao, chất lượng gạo (hàm lượng amylose từ 27-30%) phù hợp cho chế biến các sản phẩm bún, bánh, đồ uống, mì gạo… như: giống lúa GL601, GL301, HD12. Nhóm giống lúa có khả năng kháng sâu bệnh, chất lượng cao (cơm mềm, thơm, vị đậm) như: giống lúa BT7KBL-02, HD11, TBR97, Gia Lộc 25. Việc phát triển giống lúa mới không chỉ giúp tăng năng suất mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu chế biến đa dạng từ thị trường.
|
|
Lúa gạo Việt Nam chủ yếu mới chỉ được sản xuất ở mức sơ chế mà chưa được chế biến sâu |
Về thực trạng sản xuất chế biến và xuất khẩu gạo ở tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Phú Thụy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Dương cho biết: mặc dù tỉnh Hải Dương có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi trong sản xuất lúa gạo, nhưng việc chế biến sâu vẫn còn hạn chế. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 3.108 cơ sở xay xát gạo, 2.101 cơ sở làm bún, bánh, các cơ sở chế biến tạo ra các sản phẩm xay xát gạo trắng, gạo lứt, bún, bánh đa, bánh cuốn… Trong tỉnh, có 15 doanh nghiệp xay xát lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, chủ yếu làm gia công cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo ông Thụy, việc đầu tư dây chuyền công nghệ là hướng đi đúng đắn và tất yếu, nhưng không phải cơ sở chế biến nào cũng làm được. Nhiều cơ sở vẫn còn sử dụng công nghệ chế biến lạc hậu do thiếu vốn và khó khăn trong việc tìm mặt bằng để đầu tư lắp đặt dây chuyền. Hiện nay, phần lớn các cơ sở xay xát, chủ yếu làm gia công cho doanh nghiệp cung ứng. Chưa có cơ sở xay xát có vùng nguyên liệu đầu vào và có rất ít cơ sở xay xát cung ứng trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Để thâm nhập mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước, tận dụng các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết tham gia, các doanh nghiệp cần tiến tới xây dựng một quy trình chế biến gạo bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế (từ nhà xưởng, kỹ thuật công nghệ, hệ thống máy móc, trang thiết bị, hệ thống quản lý chất lượng đến tiêu chuẩn sản phẩm, bao bì đóng gói…).
Để nâng tầm chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam, TS. Hoàng Xuân Trường – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp đã đưa ra một số giải pháp đầu tư mạng lưới sản xuất lúa giống. Về lâu dài, cần hỗ trợ cho doanh nghiệp/HTX sản xuất lúa giống siêu nguyên chủng, đồng thời hỗ trợ nông dân xây dựng mạng lưới sản xuất giống xác nhận. Xây dựng và củng cố tổ/nhóm/HTX sản xuất lúa giống thông qua việc tập huấn và tư vấn kỹ năng quản lý tổ/nhóm, lập kế hoạch và hạch toán sản xuất kinh doanh, kiến thức thị trường cho các tổ/nhóm. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp tăng cường năng lực dự trữ, chế biến cho doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kinh phí xây dựng cụm kho và lò sấy để có thể tổ chức thu mua lúa và sấy lúa nhanh giảm thất thoát và giảm chất lượng lúa thơm; Khuyến khích các doanh nghiệp cần đầu tư nâng cấp và đầu tư mới nhà máy xay xát gạo giúp nâng cao chất lượng gạo xay xát và giảm giá thành trong khâu chế biến, tăng khả năng canh tranh trong khâu tiêu thụ; Tổ chức liên kết ngang giữa các doanh nghiệp để chia sẻ hậu cần chuỗi giá trị gạo cũng như đảm bảo đầu ra về số lượng, chất lượng theo nhu cầu thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu cũng như tính bền vững của chuỗi giá trị…
Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi về những biện pháp canh tác lúa hữu hiệu, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và các công nghệ mới trong chế biến lúa gạo. Nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường công tác đào tạo cho nông dân về kỹ thuật chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm.
Cùng ngày, đoàn đại biểu tham dự tọa đàm đã thăm mô hình sấy và xay xát lúa tại Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm. Đây là một trong những mô hình tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả chế biến lúa gạo, với nhiều công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại được tài trợ từ Canada.
Buổi tọa đàm đã khép lại với nhiều hi vọng và định hướng mới cho ngành lúa gạo tại Việt Nam. Việc phát triển các sản phẩm chế biến từ lúa gạo không chỉ nâng cao giá trị sản xuất mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo nói riêng cũng như cây lương thực nói chung, hướng đến chế biến sâu cho các sản phẩm lúa gạo sau thu hoạch, hướng đến xuất khẩu, tăng thu nhập cho người nông dân và giảm ô nhiễm môi trường.
|
|
Thăm mô hình sấy và xay xát lúa tại Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm |
Bảo Toàn
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia