Trong những năm gần đây diện tích cây thanh long ngày càng mở rộng không chỉ ở các tỉnh phía Nam mà đã phát triển tương đối mạnh ở một số tỉnh phía Bắc. Hiện nay cả nước có 32 tỉnh thành trồng thanh long với tổng diện tích khoảng trên 35.000 ha. Trên 30.000 ha cho thu hoạch với sản lượng hơn 500.000 tấn/năm, đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập đáng kể cho nông dân.
Mô hình trồng thanh long tại thôn Phú Thái, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng diện tích trồng thanh long trong thời gian ngắn, cùng việc áp dụng các các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp theo hướng bền vững còn hạn chế đã làm gia tăng tình trạng sâu bệnh trên cây trồng, đặc biệt là bệnh bệnh đốm nâu (bệnh đốm trắng, tắc kè,…) gây hại nghiêm trọng và làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, dẫn đến thị trường tiêu thụ thanh long không ổn định. Để sản xuất thanh long bền vững và nâng cao hơn nữa giá trị sản xuất đáp ứng thị trường nội tiêu và xuất khẩu tương xứng với tiềm năng và lợi thế, nâng cao uy tín cây thanh long Việt Nam trên thị trường quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo “Phát triển thanh long bền vững” do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm Trưởng ban. Thành viên của Ban gồm lãnh đạo các Vụ thuộc Bộ, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, Viện Nghiên cứu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, và Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An – là những tỉnh có diện tích trồng thanh long lớn. Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo và giao ban thường xuyên để tháo gỡ khó khăn vướng mắc giúp người trồng yên tâm phát triển sản xuất. Nhằm xây dựng mô hình thâm canh bền vững, an toàn dịch bệnh và tuyên truyền, khuyến cáo nhân rộng mô hình triển khai ra diện rộng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quyết định số 4573/QĐ-BNN-KHCN ngày 22 tháng 10 năm 2014 phê duyệt điều chỉnh dự án khuyến nông Trung ương: “Xây dựng mô hình thâm canh thanh long bền vững, an toàn dịch bệnh” triển khai tại 3 tỉnh: Bình Thuận, Tiền Giang và Long An.
Xuất phát từ thực trạng phát triển thanh long ở các tỉnh hiện nay, ngày 28 tháng 8 năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức hội thảo đầu bờ “Thâm canh thanh long bền vững, an toàn dịch bệnh” tại xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Tham dự hội thảo có 105 đại biểu đến từ các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư, nông dân tham gia mô hình các tỉnh tham gia dự án, một số hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận có diện tích trồng thanh long.
Toàn cảnh hội thảo
Sau khi thăm mô hình trồng thanh long của hộ gia đình ông Tống Văn Soạn tại thôn Phú Thái, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận, hội thảo đã nghe báo cáo thực hiện dự án giai đoạn 2014 - 2015 của chủ nhiệm dự án. Theo báo cáo, qua triển khai, theo dõi dự án đã đúc rút những vấn đề người sản xuất cần quan tâm để sản xuất thanh long bền vững và an toàn dịch bệnh. Theo đó, nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt khi thực hiện quy trình kỹ thuật thâm canh bền vững, an toàn dịch bệnh và quy trình quản lý dịch bệnh tổng hợp ( IPM). Cụ thể: Thường xuyên thăm, vệ sinh vườn thanh long, làm sạch cỏ dại, cắt tỉa loại bỏ những cành nhỏ không có khả năng hoặc có cho quả nhưng quả nhỏ, cành, quả bị bệnh, thu gom tiêu hủy để diệt trừ nấm bệnh theo quy trình ủ; Phân chuồng bón cần phải hoai mục, tuyệt đối không được sử dụng phân tươi chưa hoai mục để bón, cần bón phân cân đối N-P-K đầy đủ và hợp lý kết hợp với bón phân hữu cơ; Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng,nồng độ, đúng lúc, đúng cách).
Hội thảo đã nghe báo cáo tham luận của các tỉnh tham gia dự án, Viện Bảo vệ thực vật phía Nam, Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Thuận. Trong phần trao đổi thảo luận, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tế sản xuất thanh long tại địa phương, những vấn đề tồn tại trong mối liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn rời rạc. Đại biểu cũng kiến nghị, đề xuất Bộ NN&PTNT có chính sách hỗ trợ cơ giới hoá trong canh tác như: máy băm, máy tỉa cành thanh long; hệ thống tưới nước tiết kiệm.
Ông Tống Văn Soạn - chủ mô hình trồng thanh long tại thôn Phú Thái, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận chia sẻ kinh nghiệm sản xuất
Kết luận Hội thảo, TS. Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: (i) Cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, tờ tranh treo…. về sản xuất xuất…, giới thiệu mô hình thành công để nhân ra diện rộng và để người dân hiểu làm theo. (ii) Cần áp dụng quy trình kỹ thuật, không khai thác cây thanh long quá mức, thâm canh hiệu quả, an toàn, bền vững, an toàn dịch bệnh; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý đúng quy định; thăm vườn thường xuyên, vệ sinh vườn, cắt tỉa cành phù hợp, đúng lúc, hợp thời vụ, thu gom cành và trái bệnh để xử lý diệt mầm bệnh. (iii) Áp dụng cơ giới hoá (máy băm cành thanh long để ủ xử lý mầm bệnh, chế biến thành phân bón cho cây). (iv) Áp dụng kỹ thuật VietGAP để có sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, ổn định giá bán, kích thích sản xuất phát triển, bảo vệ môi trường./.
Bích Dương
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia