Nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hoá lý, các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thuỷ sản. Nhờ đó sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm sự lãng phí, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sinh thái và sức khoẻ con người...

Tại lớp tập huấn, học viên được Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc – Phó Trưởng Văn phòng thường trực phía Nam Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thuyết trình, thảo luận cùng học viên một số chuyên đề như: (1) Hiệu ứng nhà kính, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; (2) Một số mô hình, giải pháp ứng dụng trong nông nghiệp tuần hoàn nhằm xử lý phế phụ phẩm trong chăn nuôi làm đầu vào cho ngành trồng trọt, thủy sản: Mô hình nuôi trùn quế, ruồi lính đen, mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học…; (3) Một số mô hình, giải pháp ứng dụng trong nông nghiệp tuần hoàn nhằm xử lý phế phụ phẩm trong trồng trọt làm đầu vào cho chăn nuôi: ủ rơm cuộn với urê, ủ chua phế phẩm từ bắp làm thức ăn gia súc, … (4) Các giải pháp, mô hình nông nghiệp tuần hoàn cho vùng lúa, tôm – lúa gắn với liên kết, phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Đồng thời giới thiệu một số mô hình đã được nghiên cứu, ứng dụng thành công như mô hình quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi trang trại lớn của dự án Nông nghiệp các-bon thấp LCASP... Đây là những vấn đề quan trọng, giúp người sản xuất có định hướng về một nền nông nghiệp an toàn sinh học, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Để học viên nắm thêm một số mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, lớp học được bố trí tham quan cơ sở sản xuất bao gồm nhà máy, ruộng sản xuất và vùng nguyên liệu sản xuất lúa giống kết hợp tôm - lúa tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng của Doanh nghiệp Hồ Quang. Cơ sở với diện tích trên10 ha bao gồm các mô hình: sản xuất lúa giống, lúa hữu cơ luân canh với đậu xanh, chăn nuôi heo, cá… Qua buổi tham quan, học viên có dịp quan sát, nhận định và làm rõ thêm những kết quả đạt được, những khó khăn của các mô hình được giới thiệu. Thông qua đó, học viên có cơ hội chia sẻ thêm những mô hình hay, cách làm mới từ thực tiễn sản xuất ở địa phương mình. Các học viên cũng đặt ra một số thắc mắc như làm thế nào để đạt được tiêu chí là mô hình tuần hoàn, chính sách hỗ trợ,.. .giảng viên đã trao đổi cụ thể với học viên.

 Thông qua lớp tập huấn, cán bộ khuyến nông được nâng cao kiến thức nhằm làm tốt công tác tuyên truyền để mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cũng giúp các thành viên HTX hiểu rõ hơn, sâu hơn về nông nghiệp hữu cơ, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, giảm thiểu phát thải ra môi trường, tận dụng tối ưu các phụ phẩm nông nghiệp tạo sản phẩm an toàn, chất lượng, giá trị cao, tăng lợi nhuận cho người sản xuất, bảo vệ môi trường, sản xuất bền vững…. Đây cũng là dịp để các học viên học hỏi, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất để có hướng giải quyết trong thời gian tới./.

leftcenterrightdel
Tham quan vùng sản xuất lúa giống kết hợp tôm – lúa tại huyện Mỹ Xuyên 

Dung Ngọc

Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu