Tham gia tập huấn có 40 học viên là cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV, cán bộ Chi cục PTNT, cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên, khuyến nông cộng đồng, nông dân, cán bộ, thành viên HTX, tổ hợp tác của các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh tỉnh Lâm Đồng và nông dân, thành viên HTX của tỉnh Đắk Lắk.
Tại lớp tập huấn, TS. Nguyễn Viết Khoa, Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện – Trung tâm KNQG đã chia sẻ với học viên kiến thức về tổ chức sản xuất và liên kết chuỗi sản xuất rau bền vững, học viên hiểu được thế nào là kinh tế thị trường, các quy luật của nền kinh tế thị trường, các khó khăn mà nông dân thường gặp trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm rau. Để giúp người dân thay đổi tư duy từ sản xuất đến kinh tế - các hoạt động tiếp thị chuỗi rau, cán bộ khuyến nông cần phải tiếp cận với tư duy kinh tế, khuyến nông số, cần có các hoạt động về khảo sát thị trường, tư vấn cho người dân lựa chọn cây trồng để nông dân quyết định nên trồng cây gì và lập kế hoạch sản xuất, tiếp thị sản phẩm. Tiếp đó cán bộ khuyến nông cần giúp người dân về kỹ thuật sản xuất và giám sát hoạt động sản xuất. Giúp người dân thay đổi cách làm cũ là trồng và bán thì cách làm mới là tìm người mua rồi mới lập kế hoạch sản xuất để bán. TS. Khoa cũng nhấn mạnh vấn đề khảo sát thị trường rất quan trọng không chỉ đối với hợp tác xã (HTX) mà còn đối với cá nhân, nhà sản xuất. Qua đó HTX hiểu được nhu cầu của thị trường, tìm được người mua phù hợp với HTX và cải thiện các hoạt động sản xuất của HTX. Đối với các nhà sản xuất hiểu được nhu cầu thị trường để có thể cải thiện sản xuất, xác định người mua phù hợp ngoài HTX để tăng doanh thu. Bên cạnh đó học viên được trang bị kiến thức về tiếp thị hỗn hợp, xây dựng công cụ tiếp thị, kết nối người mua, lập hợp đồng, cách tìm kiếm các khách hàng tiềm năng và ghi nhận các thông tin phản hồi của khách hàng để phân tích, rút ra các vấn đề cần cải thiện trong các khâu để có sản phẩm và dịch vụ hoàn hảo hơn.
Chuyên đề: “Đổi mới và nâng cao hiệu quả khuyến nông” được Ths. Lương Tiến Khiêm – Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trao đổi và chia sẻ với học viên, qua đó giúp học viên hiểu rõ hơn nội dung khuyến nông theo Nghị định 83/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến nông. Học viên nắm được thực trạng công tác khuyến nông và các nội dung cần đổi mới trong các hoạt động khuyến nông, đó là bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách; củng cố kiện toàn hệ thống khuyến nông; đổi mới các nội dung hoạt đông khuyến nông (xây dựng mô hình trình diễn; thông tin và truyền thông; đào tạo huấn luyện; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và hợp tác công tư; chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông; tăng cường nguồn lực cho hệ thống khuyến nông. Bên cạnh đó Ths. Khiêm đã trình bày về Đề án khuyến nông cộng đồng, nhấn mạnh các nhiệm vụ khuyến nông cộng đồng đó là hỗ trợ, tư vấn cho hộ nông dân, HTX về khuyến nông; Hỗ trợ, tư vấn phát triển HTX nông nghiệp; Hỗ trợ tư vấn hộ nông dân, HTX tham gia thị trường và liên kết chuỗi giá trị; Tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương. Với các vấn đề đặt ra, hy vọng thời gian tới đội ngũ cán bộ khuyến nông đặc biệt là khuyến nông cộng đồng sẽ hoạt động ngày tích cực và chuyên nghiệp hơn để triển khai các chương trình, dự án khuyến nông ngày càng bền vững và hiệu quả.
Học viên thăm mô hình đồng bộ công nghệ sản xuất rau tại Công ty TNHH SXTM nông sản Phong Thúy (Trang trai Phong Thúy) huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Chia sẻ với học viên, ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Trang trại Phong Thúy cho biết: Sản xuất rau củ quả bình thường hay bị bệnh, bị nhiễm nấm, sử dụng lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức quy định gây hại cho sức khỏe con người. Ngược lại rau củ quả được sản xuất theo quy trình công nghệ cao rất ít bị nhiễm bệnh, cho năng suất – chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông cũng giới thiệu về các công nghệ cao trong trồng trọt được áp dụng ngay tại trang trại như thủy canh hồi lưu trong nhà kính, trồng cây trên giá thể, trong nhà kính, quản lý châm phân tự động, điều khiển bằng phần mềm trên điện thoại. Trang trại sản xuất theo mô hình khép kín, từ sản xuất hạt giống - trồng - chăm sóc - thu hoach - bảo quản - vận chuyển đến cho người tiêu tùng. Nguồn rác thải từ rau, củ, quả được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi gia súc, làm phân hữu cơ bón cho cây trồng và luân canh cải tạo đất. Hiện trang trại của ông có quy mô 55 ha trồng rau theo VietGAP và liên kết với 30 đơn vị sản xuất trong đó có 14 đơn vị ở quy mô trang trại với quy mô 75 ha theo hình thức hợp tác liên kết sản xuất: Tổ hợp tác - hợp tác xã để nâng cao năng suất, đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra những chuỗi giá trị cao, ổn định, an toàn từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Định hướng của Công ty trong thời gian tới sẽ tăng cường nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; Tiếp tục mở rộng liên kết với các hộ, trang trại, hợp tác xã để nâng cao sản lượng và đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường trong nước và quốc tế.
Học viên thăm mô hình sản xuất cà chua áp dụng công nghệ tưới tưới tiết kiệm cho cây cà chua tại Công ty Khang Thịnh, thị xã Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, ông Hà Hữu Nghị - Phó giám đốc chi nhánh công ty Khang Thịnh tại Lâm Đồng cho biết; Trước thực trạng công lao động trong sản xuất nông nghiệp ngày càng khó và giá thành cao, vấn đề tự động hóa thay thế sức khỏe của con người đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và khắc phục tình trạng thiếu nhân công trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế công ty Khang Thịnh đã lắp đặt và vận hành nhiều hệ thống tưới cho các tập đoàn, trang trại và bà con nông dân đem lại nhiều lợi ích như giúp tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí quản lý, sử dụng đơn giản, giúp nâng cao năng suất cây trồng và có thể quản lý hệ thống từ xa. Ông cũng giới thiệu công nghệ tưới trong sản xuất rau (công nghệ thông tin điều khiển tự động, bán tự động trong nhà kính, hệ thống tưới thông minh, thủy canh) và giới thiệu công nghệ tưới nhỏ giọt đang áp dụng cho sản xuất cà chua ngay tại trang trại của Công ty.
Ngoài ra, học viên được chia sẻ kiến thức về bình đẳng giới, hiểu rõ hơn luật bình đẳng giới, trong đó có một số quy định về bình đẳng giới trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, gia đình và xã hội, văn hoá, thể thao,…; các chính sách của nhà nước trong đó có khuyến nông về giảm nghèo, cách lồng ghép giới trong hoạt động khuyến nông và các giải pháp nâng quyền của phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Anh Lê Quý Hiệp, cán bộ Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh trình bày kết quả thảo luận. Anh Hiệp cho biết: Ở đâu đó định kiến về giới vẫn còn, đàn ông làm ra tiền thường coi thường vợ và luôn cho rằng vợ không được tích sự gì và không có quyền quyết định mọi vấn đề trong gia đình khiến người phụ nữ rất tự ti và luôn cảm thấy bản thân mình yếu kém nhưng ở địa phương anh, nam giới và nữ giới luôn có sự tôn trọng nhau, mọi việc cùng bàn bạc và đưa ra quyết định. Trong sản xuất nông nghiệp, nam giới thường làm các công việc nặng nhọc và độc hại như cầy xới, khuân vác, phun thuốc trừ sâu, ngược lại các công việc cần sự khéo léo như giao tiếp với khách hàng, đóng gói, quản lý tài chính phụ nữ sẽ đảm nhận và làm tốt hơn. “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”, anh cười khi kết thúc bài trình bày của mình.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hương – cán bộ Trung tâm nông nghiệp huyện Đức Trọng cho biết, phụ nữ phải dành rất nhiều thời gian cho công việc nội trợ, chăm sóc gia đình, ít có cơ hội học hỏi, tiếp cận thông tin, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Qua lớp tập huấn này chị muốn gửi thông điệp cho người chồng, người cha trong gia đình là cần chia sẻ công việc nhà với những người phụ nữ trong gia đình, tạo điều kiện để họ được học hành, giao tiếp, tiếp cận công nghệ thông tin nhiều hơn để tham gia cùng chồng đưa ra quyết định sản xuất và kinh doanh tốt hơn./.
Thanh Huyền
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia