Trong thời gian 02 ngày (từ ngày 10-11/7/2024), tại Gia Lai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Gia Lai và Tổ chức CARE tại Việt Nam tổ chức lớp tập huấn “Phát triển vùng nguyên liệu sầu riêng theo hướng hữu cơ” với sự tham gia của 45 học viên là các cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng, Ban quản trị, thành viên HTX và nông dân chủ chốt đến từ TTKN tỉnh Gia Lai và các huyện Đắk Đoa, huyện Chư Sê, huyện Chư Prông - tỉnh Gia Lai; TTKN Giống cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản; huyện Krông Bông; Huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lăk. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp phần “Tăng cường năng lực và chia sẻ học hỏi kinh nghiệm” do quỹ PepsiCo tài trợ.

Phát biểu tại lớp tập huấn, ông Phạm Hữu Phước, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Gia Lai cho biết: Cây sầu riêng những năm gần đây được người dân rất quan tâm đặc biệt về giá cả và thị trường tiêu thụ rất lớn nhất là thị trường Trung Quốc. Diện tích cây sầu riêng ở Gia Lai tăng nhanh, năm 2022, từ diện tích 4000 ha đến nay đã tăng lên hơn 6000 ha. Thông qua lớp học này sẽ giúp học viên được trang bị kiến thức và kỹ năng để áp dụng vào sản xuất sầu riêng ngày càng bền vững và hiệu quả, đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường trong và ngoài nước.

leftcenterrightdel
Học viên thảo luận nhóm 

Tại lớp tập huấn, TS. Nguyễn Viết Khoa, Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chia sẻ các nội dung về thay đổi tư duy từ sản xuất đến kinh tế đến các hoạt động tiếp thị chuỗi sầu riêng, các quy luật của nền kinh tế thị trường, phân tích các tác nhân trong chuỗi sầu riêng, những khó khăn gặp phải và các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng sầu riêng “được mùa mất giá”; các vấn đề về khảo sát thị trường, thay đổi cách làm cũ (sản xuất và bán) sang cách làm hiện tại (tìm người mua – sản xuất và bán sản phẩm với phương châm “Không sản xuất và bán mà sản xuất để bán”); cách xây dựng các công cụ tiếp thị; cách kết nối với người mua và cách lập hợp đồng, cách tìm kiếm khách hàng tiềm năng trực tiếp và gián tiếp; các lưu ý thu nhận phản hồi của khách hàng để phân tích và rút ra các vấn đề cần cải thiện trong các khâu để có sản phẩm và dịch vụ hoàn hảo hơn…

Kỹ thuật canh tác cây sầu riêng theo hướng hữu cơ, đặc biệt nguyên tắc IPM trong canh tác và quản lý dịch hại trên cây sầu riêng được các chuyên gia của Công ty TNHH Syngenta trao đổi trên lớp học và hiện trường. Các chuyên gia cũng đưa ra giải pháp tổng quan quản lý dịch hại trên cây sầy riêng là quản lý theo giai đoạn sinh trưởng và trên đối tượng gây hại. Các giai đoạn cần lưu ý để phòng trừ sâu bệnh hại đó là: giai đoạn phát triển thân lá (150-180 ngày); giai đoạn ra hoa đậu trái (30-45 ngày); giai đoạn trái phát triển (90-120 ngày); giai đoạn thu hoạch (10-15 ngày). Mỗi giai đoạn cần lưu ý các đối tượng gây hại khác khau và lưu ý cách phòng trừ. Một số sâu hạn chính cần lưu ý là: bọ trĩ, rầy xanh, rày nhảy, nhện đỏ, sâu đục trái, bệnh thán thư, cháy lá ngọn, phấn trắng, thối trái; tuyến trùng và nấm hại rễ; nứt thân xì mủ, cháy lá, nấm hồng. Ngoài ra các vấn đề khó khăn trong canh tác sầu riêng như hạn chế sầu riêng rụng hoa, rụng quả; hạn chế sầu riêng bị vẹo trái; các giải pháp thích ứng với thời tiết thay đổi cũng được các chuyên gia giải đáp tận tình.

leftcenterrightdel
Học viên, giảng viên và chủ mô hình chia sẻ kinh nghiệm canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ ngay tại hiện trường 

Vấn đề sử dụng phân bón cho cây sầu riêng được ông Nguyễn Tiến Dũng chủ vườn sầu riêng tại Thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai chia sẻ ngay tại vườn sầu riêng. Ông cho biết từ khi chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, tỷ lệ rụng trái non và tình trạng sầu riêng bị sượng giảm hẳn, tuy nhiên ông cũng lưu ý các giai đoạn sau thu hoạch, trước khi ra hoa và sau khi mang trái cũng cần phải bón phân bón đa lượng và vi lượng, đặc biệt là phân bón hữu cơ bón phục hồi sau khi thu hoạch giúp cây khoẻ mạnh, đến khi mang trái sẽ hiệu quả hơn; 30 ngày trước khi thu hoạch, không sử dụng phân bón và thuốc hoá học cho cây sầu riêng để quả sầu riêng chín đều và an toàn cho người tiêu dùng.

Quản lý nước tưới cho cây sầu riêng được các chuyên gia của Công ty Khang Thịnh chia sẻ bao gồm các vấn về về quan điểm tưới nước cho cây sầu riêng hiện nay, các hình thức tưới, hiệu quả sử dụng nước của từng phương pháp tưới, cơ sở thiết kế - nhu cầu nước của cây sầu riêng; hệ thống tưới Netafim – Israel cho cây sầu riêng; Cơ sở thiết kế - hệ thống tưới nhỏ giọt quấn gốc cho cây sầu riêng; hệ thống tưới phun mưa bù áp cho cây sầu riêng. Thông qua lớp học, học viên cũng thay đổi nhận thức khi tưới nước cho cây sầu riêng đó là không tưới cho đất, không tưới cho cây, chỉ tưới cho vùng rễ tích cực của cây, giảm tối đa thất thoát do bốc hơi nước để tiết kiệm nước tưới và giúp cây sầu riêng sinh trưởng, phát triển tốt.

Bà Vũ Lan Hương, chuyên gia tổ chức CARE chỉ ra rằng 52% lực lượng lao động nông nghiệp nông thôn là nữ giới, nhưng việc tiếp cận các cơ hội đào tạo và nguồn lực phát triển kinh tế còn rất hạn chế, đặc biệt với các cơ hội kinh tế mới. Cụ thể hơn tại lớp tập huấn, các học viên cũng thảo luận các khó khăn cụ thể mà nam giới và nữ giới gặp phải trong trong sản xuất và kinh doanh sầu riêng.

leftcenterrightdel
 Học viên trao đổi ý kiến với giảng viên và lớp học

Chia sẻ tại lớp học, chị Hoài Thanh, huyện Cư M’gar - đại diện cho 10 học viên nữ tham gia lớp tập huấn cho biết: Hầu như chị em phụ nữ ít có cơ hội được tham gia hội thảo, hội nghị, hội chợ; ít được tham gia các lớp tập huấn, tiếp cận khoa học công nghệ, hạn chế trong sử dụng thiết bị công nghệ số và tiếp cận thông tin thị trường; ít được quyền quyết định thay đổi ứng dụng khoa học công nghệ mới và quyền quyết định về kinh tế gia đình. Đây là hệ quả của các khuôn mẫu xã hội khi phụ nữ vẫn phải chịu trách nhiệm chính trong các công việc chăm sóc và nam giới là trụ cột kinh tế của gia đình. Thông qua lớp tập huấn, các học viên hiểu rõ hơn về Luật bình đẳng giới, trong đó có một số quy định về bình đẳng giới trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, gia đình và xã hội, văn hoá, thể thao,…; các chính sách của nhà nước trong đó có khuyến nông về giảm nghèo, cách lồng ghép giới trong hoạt động khuyến nông và các giải pháp nâng quyền của phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ gia đình./.

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia