leftcenterrightdel
Đậu rồng dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh hại

Đây là loại cây rất dễ trồng chỉ cần gieo hạt khoảng 3-4 ngày sau sẽ nảy mầm, sau đó dây leo mọc lên và phát triển đến khoảng 2 tháng sẽ cho thu hoạch trái. Bên cạnh đó đậu rồng cũng rất dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh hại nên hầu như không cần phun thuốc, chi phí đầu tư thấp và dinh dưỡng cao, chính vì thế hiện nay cây trồng này được gieo trồng rất phổ biến. Tuy nhiên trong quá trình trồng cần lưu ý đến một số sâu bệnh hại thường gặp như sau:

a. Rầy mềm (Aphis gossypii): Chúng xuất hiện khá phổ biến (ảnh 1). Cả rầy non và rầy trưởng thành sống tập trung ở ngọn bông, trái non và mặt dưới lá, ít di chuyển. Vòng đời của chúng rất ngắn (7 - 9 ngày) nên tích lũy mật số rất nhanh. Khi mật số cao có thể làm cho lá non bị cong, vặn vẹo, bị vàng úa dần, mép lá có thể bị khô chết, lá không phát triển được cây còi cọc, đọt non bị teo tóp, héo dần, hoa và trái non có thể bị rụng, gây ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất. Để hạn chế tác hại của rầy mềm nên áp dụng kết hợp một số biện pháp sau đây:

+ Không nên trồng quá dầy, phải tạo độ thông thoáng cho giàn đậu bằng cách tỉa bớt lá già giúp giảm khả năng phát sinh, phát triển, gây hại và lây lan của rầy mềm.

+ Không nên bón quá thừa phân đạm vì không những tạo cho cây tốt bị lốp và ra trái ít còn tạo nguồn thức ăn dinh dưỡng cho rầy mềm, đồng thời cũng làm cho giàn đậu rậm rạp, bít bùng. Khi cây chuẩn bị ra hoa và mang trái nên tăng cường bón thêm phân lân và kali để giúp cây ra nhiều hoa và đậu trái tốt.

+ Kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện và phun trị sớm bằng cách pha nước rửa chén với nước (10ml nước rửa chén pha với 1 lít nước) để mang phun cho cây, tập trung phun vào những đọt non và mặt dưới lá. Khi mật số cao có thể sử dụng những thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học như nấm Metarhizium sp, Beauveria sp (BS25 – Insect, Bio Plus), vi sinh vật Bacillus Thuringiensis (Bio B), Emamectin benzoate (Comda 250EC) hoặc ưu tiên những loại thuốc có thời gian cách ly ngắn và ít độc.

b. Ốc ma (Achatina fulica): Ốc ma gây hại mạnh vào ban đêm, ban ngày ẩn nấp thường không thấy xuất hiện. Chúng có thể men theo giàn đậu rồng leo lên cắn phá những trái trên cao, chúng cắn phá gây mất phần thịt trái, phẩm chất trái bị giảm và thất thu năng suất (ảnh 2). Nên tổ chức bắt và diệt ốc vào lúc sau những cơn mưa hay sáng sớm và chiều tối khi cây trong giai đoạn ra hoa, đậu trái; tạo những nơi trú ẩn dưới gốc cây để thu gom ốc với số lượng lớn hoặc bẫy ốc bằng cách lấy các loại rau quả (vỏ dưa hấu, vỏ mít, vỏ dứa,…) bỏ vào gốc cây để ốc bu vào và tiến hành thu gom tiêu hủy.

leftcenterrightdel
 Ảnh 1: Rầy mềm gây hại trên trái đậu rồng

leftcenterrightdel
Ảnh 2: Ốc ma cắn phá trên trái đậu rồng 

c. Sâu tơ (Plutella xylostella):

Sâu thường nhả tơ buông mình xuống đất khi bị vật khác động vào nên còn được gọi là "sâu dù". Sâu dùng tơ cuốn các đọt non lại và ở bên trong ăn phá, nếu mật số sâu tơ cao chúng cắn phá tạo các lỗ thủng lá, có thể cắn trụi cả lá và đọt non, làm cho cây xơ xác (ảnh 3). Sâu còn ăn trái non làm cho trái bị thối và rụng. Khi trái lớn, sâu thường ẩn mặt dưới lá, nơi phần trái chạm mặt đất và cạp lớp vỏ bên ngoài làm vỏ trái bị loang lổ.

Biện pháp quản lý:

+ Dùng tay ngắt bỏ ổ sâu trú ngụ khi mật số còn thấp mang tiêu hủy;

+ Nên tưới cây bằng vòi phun mưa vào buổi chiều mát để ngăn cản việc giao phối của con trưởng thành và rửa trôi bớt trứng, sâu non;

+ Thu dọn, vệ sinh sạch sẽ tàn dư sau thu hoạch để cắt đứt nguồn lây lan bằng cách đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy hoặc ủ làm phân bón để tiêu diệt trứng, sâu non...

+ Thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm, khi thấy mật số sâu tơ tăng nhanh phải phun thuốc kịp thời, có thể sử dụng các hoạt chất Abamectin, Emamectin benzoate (Homectin 50WG, Comda 250EC), … phun trước khi lá cuốn lại để phòng trị. Hoặc có thể phun dầu khoáng SK Enspray 99EC vào thời điểm chiều tối để xua đuổi ngài hay làm hư trứng của sâu tơ.

d. Bệnh đốm lá: Bệnh do nấm Ascochyta pisi gây ra.

Bệnh hại chủ yếu trên lá, vết bệnh có màu nâu, hình tròn, bề mặt vết bệnh có nhiều hạt màu đen rất nhỏ (ảnh 4). Trên thân và trái, vết bệnh là những đốm tròn màu nâu sẫm, hơi lõm xuống. Bệnh nặng làm giảm quang hợp, cây sinh trưởng kém, trái phát triển không tốt. Nấm tồn tại trên tàn dư cây bệnh, phát triển trong điều kiện nóng và ẩm. Phòng trừ bệnh đốm lá nên sử dụng thuốc gốc đồng phun khi bệnh mới chớm xuất hiện (theo Nguyễn Thị Nguyệt - Nguyên Phó Chi cục Trưởng chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre).

leftcenterrightdel
 Ảnh 3: Sâu tơ gây hại trên lá

leftcenterrightdel
Ảnh 4: Triệu chứng bệnh đốm lá 

Hồng Thắm

Trạm Khuyến nông Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long