Toàn cảnh Diễn đàn

 

Diễn đàn thu hút sự tham gia của 150 đại biểu, trong đó có 130 đại biểu là đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân tỉnh Điện Biên. Bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và bà Chu Thị Thanh Xuân – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên đồng chủ trì diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp miền núi phía Bắc (MNPB) đã đạt được những thành tựu to lớn. Tính trung bình từ năm 2010 đến năm 2021, diện tính sản xuất lúa trung bình của các tỉnh MNPB đạt trên 668 nghìn ha/năm, sản lượng lúa dao động từ 3,1 – 3,4 triệu tấn/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu an ninh lương thực cho cư dân trong vùng. Điện Biên là tỉnh có nhiều điều kiện và tiềm năng để phát triển lúa gạo, đặc biệt là lúa gạo chất lượng cao theo hướng sản xuất hàng hóa.

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản của tỉnh Điện Biên

 

Theo báo cáo của Viện Khoa học kỹ thuật miền núi phía Bắc, Điện Biên là 1 trong 4 tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất vùng MNPB nhưng những năm gần đây sản lượng lúa gạo của tỉnh Điện Biên có phần sụt giảm đáng kể. Năm 2019, diện tích sản xuất lúa của tỉnh là 51,7 nghìn ha, năng suất đạt 55,9 tạ/ha, sản lượng đạt 289 nghìn tấn. Đến năm 2021 diện tích sản xuất lúa của tỉnh đạt 53,8 nghìn ha, năng suất chỉ đạt 37,2 tạ/ha, sản lượng giảm 89 nghìn tấn so với năm 2019.

Thảo luận tại Diễn đàn, đại biểu tham dự đã nêu lên 5 khó khăn, tồn tại của ngành sản xuất lúa gạo tỉnh Điện Biên, đó là công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất, liên kết giữa các nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp…) còn lỏng lẻo và chưa thật sự bền vững; việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật về giống lúa, các biện pháp kỹ thuật canh tác mới trong sản xuất còn hạn chế, việc lúa lẫn tăng và phẩm chất gạo giảm sút; trình độ thâm canh trong sản xuất lúa của vùng còn thấp (sử dụng giống cũ, phẩm cấp thấp, sản xuất lạm dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp chưa tốt dẫn tới năng suất thấp và hiệu quả trong sản xuất lúa chưa cao); việc bảo quản, chế biến lúa gạo sau thu hoạch còn nhiều hạn chế (chưa có cơ sở bảo quản, chế biến đồng bộ, quy mô cơ sở nhỏ); vấn đề xây dựng và quản lý thương hiệu, phát triển thị trường sản phẩm và xử lý gian lận trong thương mại lúa gạo gặp nhiều khó khăn.

Các đại biểu thăm cánh đồng lúa Mường Thanh

 

Trong xu thế hội nhập hiện nay và trong bối cảnh người dân đã được đảm bảo an ninh lương thực, việc nâng cao hiệu quả kinh tế và nâng cao giá trị trong sản xuất lúa đóng vai trò quyết định trong sản xuất lúa gạo. Tại Diễn đàn, đại biểu tham dự đã tập trung đưa ra 05 giải pháp chính.

Một là, các giải pháp về chính sách. Trong đó tập trung vào quy hoạch, tổ chức lại sản xuất gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch, hướng đến sản xuất cánh đồng 1 giống; chính sách hỗ trợ vốn vay cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo; chính sách hỗ trợ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ; chính sách phát triển sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, đa giá trị

Hai là, các giải pháp về kỹ thuật. Trong đó tập trung vào việc rà soát, xác định cơ cấu bộ giống, đặc biệt là giống lúa chất lượng (giống đặc sản của địa phương, giống Japonica), giới thiệu một số giống chất lượng cao có thể trồng trên cánh đồng Mường Thanh (BT09; LCH 37…), xác định khung thời vụ, đồng thời áp dụng các biện pháp thâm canh lúa tổng hợp; Tăng cường đầu tư thủy lợi và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa gạo. Đẩy mạnh triển khai áp dụng mạ khay, máy cấy vào sản xuất; Tăng cường đầu tư cho bảo quản chế biến lúa gạo.

Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa gạo tại Điện Biên

 

Ba là, các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ và người dân. Tăng cường tập huấn cho bà con nông dân canh tác lúa theo biện pháp phòng chống dịch hại tổng hợp (IPM), tăng cường bón phân hữu cơ, giảm phân bón hóa học. Hạn chế việc đốt rơm rạ, sử dụng rơm rạ sau thu hoạch để sản xuất phân bón, sản xuất nấm ăn…

Bốn là, giải pháp tăng cường công tác khuyến nông, đặc biệt là công tác thông tin tuyên truyền, xây dựng mô hình khuyến nông. 

Năm là, giải pháp tăng cường liên kết, tiêu thụ, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng an toàn.

Kết thúc diễn đàn, bà Chu Thị Thanh Xuân – Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên ghi nhận kết quả đạt được của Diễn đàn, Diễn đàn đã chỉ rõ những khó khăn, thực trạng và đã có những phúc đáp để tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc của bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đồng thời đã có đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao sản xuất lúa gạo của cánh đồng Mường Thanh. Bà cho biết, sẽ tiếp thu toàn bộ những ý kiến, đề xuất của đại biểu để tiếp tục cụ thể hóa trong quá trình chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ của ngành, của địa phương đồng thời đề nghị bà con nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp cùng đồng hành, chia sẻ những khó khăn của tỉnh, của ngành, tiếp tục nỗ lực, trách nhiệm trong sản xuất lúa gạo. Giữ gìn và phát huy phẩm chất, giá trị của thương hiệu gạo Điện biên và cánh đồng Mường Thanh.

Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn

 

Sâm Nguyễn