Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn sản xuất cây ăn quả, thúc đẩy phát triển sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa đạt tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, trong 2 ngày 17 – 18/7/2025, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”.
Theo số liệu thống kê, năm 2024, diện tích sản xuất cây ăn quả cả nước đạt khoảng 1,3 triệu ha, sản lượng khoảng 12,3 triệu tấn, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 7,1 tỷ USD. Trong đó vùng Trung du và Miền núi phía Bắc diện tích khoảng 275 nghìn ha, bằng 21% so cả nước. Đây là vùng cây ăn quả lớn thứ hai toàn quốc, chỉ sau vùng Đồng bằng sông Cửu Long và ngày càng có xu hướng tăng trưởng nhờ chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả hàng hóa với sản lượng ước đạt 2,45 triệu tấn.
Trên toàn vùng, đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa tập trung, quy mô lớn, phục vụ chế biến, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Nhiều sản phẩm đã chiếm tỷ trọng lớn về diện tích, sản lượng và từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Một số đặc sản như vải thiều, bưởi Diễn, bưởi Tân Lạc, chuối, mận... đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, Australia, EU và Mỹ, được người tiêu dùng đánh giá cao và có tiềm năng mở rộng thị trường.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Bùi Duy Linh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết, Phú Thọ là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển đa dạng các chủng loại cây ăn quả. Sau hợp nhất tỉnh Phú Thọ mới có diện tích 9.361 km2, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trên 226 nghìn ha, trong đó diện tích cây ăn quả xấp xỉ 36 nghìn ha. Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất và đánh giá lợi thế thị trường, tỉnh đã tập trung phát triển các cây ăn quả chủ lực như bưởi, cam, chuối, đồng thời chú trọng bảo tồn và nhân rộng các giống cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như bưởi Đoan Hùng, bưởi đỏ Tân Lạc, cam Cao Phong, hồng không hạt Gia Thanh, chuối Phấn vàng, chuối tiêu hồng, vải Hùng Long chín sớm, vải PH40…
Hiện toàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng cây ăn quả tập trung, tạo nền tảng phát triển vùng nguyên liệu phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu như: cây bưởi cấp 65 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích trên 664 ha, 18 mã số vùng trồng nội tiêu với diện tích trên 1.686 ha; cây chuối đã cấp 13 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích gần 358 ha, 54 mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu với diện tích 519 ha và 03 cơ sở được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu chuối sang Trung Quốc, EU; cây thanh long đã cấp 23 mã số vùng trồng với diện tích 338 ha trong đó có 14 mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích 147 ha; 11 mã vùng trồng phục vụ nội tiêu với diện tích 191ha.
“Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu và điều kiện của từng khu vực. Trên cơ sở đó, xây dựng lại quy hoạch vùng trồng phù hợp hơn, đảm bảo cơ sở khoa học và thực tiễn để phát triển bền vững các cây trồng chủ lực, nhất là các cây ăn quả đặc sản đã và đang khẳng định được thương hiệu. Đây là bước đi quan trọng nhằm tạo nền tảng lâu dài cho việc sản xuất theo tiêu chuẩn phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu”- ông Bùi Duy Linh nhấn mạnh.
    |
 |
Các đại biểu tham quan mô hình khuyến nông thâm canh nâng cao năng suất chất lượng bưởi Đoan Hùng tại xã Chân Mộng, tỉnh Phú Thọ |
Sơn La là địa phương có tốc độ phát triển cây ăn quả ấn tượng và nổi bật, được mệnh danh là “thủ phủ cây ăn quả” của miền Bắc. Tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh hiện nay ước đạt 85.050 ha, trong đó giai đoạn 2016 - 2025 diện tích chuyển đổi, trồng mới cây ăn quả đạt 61.448 ha; sản lượng quả năm 2025 ước đạt 510.000 tấn; so với năm 2016 diện tích tăng 219%, sản lượng tăng 332%. Sự phát triển này đến từ việc Sơn La đã thực hiện đồng bộ các đề án và chính sách phát triển cây ăn quả, đầu tư vào hạ tầng và ứng dụng khoa học công nghệ. Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt nghị quyết, kế hoạch, đề án, hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển cây ăn quả. Các tổ công tác, ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện được thành lập, theo dõi, đôn đốc thực hiện hiệu quả. Hạ tầng giao thông – nông nghiệp cải thiện rõ rệt, hỗ trợ kết nối thị trường. Người dân chủ động đổi mới sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, chọn giống mới có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất. Đặc biệt là có sự tham gia tích cực của lực lượng khuyến nông.
“Từ những năm 2008-2014, lực lượng khuyến nông Sơn La đã khởi xướng và đồng hành cùng người dân trong việc cải tạo những mô hình kém hiệu quả – những mảnh đất dốc, cằn cỗi, manh mún – để từng bước chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế. Đó cũng chính là nền tảng quan trọng để tỉnh Sơn La từng bước xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, các chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây ăn quả, hỗ trợ sản xuất hàng hoá tập trung, hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn chất lượng cao – một hướng đi chiến lược trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao sinh kế cho người dân vùng cao.” – bà Ngần Thị Minh Thanh – Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Sơn La nói.
Giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2025, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La đã thực hiện 19 mô hình phát triển cây ăn quả với tổng số 493 ha. Điển hình như: mô hình trồng thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình trồng thâm canh xoài bền vững trên đất dốc ứng dụng công nghệ tưới ẩm; mô hình ghép cải tạo vườn nhãn giống nhãn ánh vàng 205; Đề án phát triển cây ăn quả phục vụ phát triển vùng nguyên liệu (xoài, dứa, chanh leo); mô hình trồng thâm canh cây ăn quả có múi an toàn theo hướng hữu cơ; mô hình ghép cải tạo nhãn (giống nhãn chín sớm) nhằm giải vụ thu hoạch phục vụ nội tiêu và xuất khẩu;…
Đặc biệt, Dự án khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Bắc” do Trung tâm Khuyến nông Sơn La chủ trì, giai đoạn 2022-2024 triển khai tại 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình đã xây dựng được 150 ha cây ăn quả (chanh leo, dứa, xoài) theo tiêu chuẩn VietGAP. Dự án đã xây dựng được 3 mô hình tổ chức quản lý sản xuất liên kết HTX với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, cấp phát 63.600 tem truy xuất nguồn gốc; tạo nguồn nguyên liệu ổn định chất lượng cho các nhà máy chế biến; ký kết hợp đồng với công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, công ty Cổ phần Bảo Lâm Sơn La bao tiêu hơn 3.400 tấn quả (> 80% sản phẩm của mô hình).
Không chỉ riêng Phú Thọ và Sơn La, các địa phương khác cũng đang có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển vùng cây ăn quả đặc sản, gắn với tiêu chuẩn chất lượng và xuất khẩu. Nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và bước đầu tiếp cận thị trường xuất khẩu. Các mô hình kinh tế vườn, hợp tác xã, tổ hợp tác ngày càng phát triển.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, sản xuất cây ăn quả tại vùng Trung du miền núi phía Bắc vẫn còn đối mặt với nhiều thách để hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị, phát triển bền vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. Biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan (nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa, sương muối,…) ảnh hưởng đến thời vụ, năng suất cây trồng; đồng thời tăng nguy cơ bùng phát sâu bệnh. Phần lớn diện tích cây ăn quả vẫn do các hộ nhỏ lẻ sản xuất, thiếu vốn đầu tư, trình độ kỹ thuật sản xuất chưa đồng đều, thiếu sự liên kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ, dẫn đến khó khăn trong quản lý chất lượng đồng bộ và đàm phán với doanh nghiệp thu mua. Phần lớn vùng trồng chưa được quy hoạch bài bản, phân tán theo địa hình, địa giới hành chính, không thuận lợi để cơ giới hóa hoặc xây dựng mô hình chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc áp dụng những yêu cầu khắt khe về kiểm dịch, mã số vùng trồng và quy trình canh tác sạch. Trong nước, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm sạch, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ hay các sản phẩm được xếp hạng OCOP, tạo ra động lực nhưng cũng là áp lực cho các địa phương và nông hộ trong việc thay đổi phương thức canh tác.
    |
 |
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc phát biểu tại diễn đàn |
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng: Phát triển sản xuất cây ăn quả còn nhiều tiềm năng do chúng ta đang xây dựng các vùng nguyên liệu lớn, tập trung. Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới để xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, để tham gia vào thị trường sâu rộng hơn, chúng ta cần phải kiểm soát được tất cả những yếu tố đầu vào của quy trình sản xuất, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn rất khắt khe của nước nhập khẩu. Muốn làm được điều này thì người sản xuất phải tuân thủ các quy trình đã được ban hành (VietGAP, GlobalGAP), tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng…
Tại diễn đàn, các nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, quản lý đã đối thoại, trao đổi trực tiếp các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển cây ăn quả vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, trọng tâm là vấn đề kết nối, tiêu thụ sản phẩm; các vấn đề về giống, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cây ăn quả; công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến; vấn đề tiêu chuẩn chất lượng nông sản cho doanh nghiệp, nhà máy chế biến phục vụ nội tiêu và xuất khẩu; việc cấp mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu nông sản và duy trì nhãn hiệu tập thể sản phẩm.
Giải đáp băn khoăn của đại diện nông dân trồng bưởi tại xã Chân Mộng, tỉnh Phú Thọ về vấn đề bảo vệ thương hiệu nông sản, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh: “Muốn giữ được uy tín, thương hiệu nông sản, người dân cần thay đổi tư duy từ việc chỉ bán sản phẩm sang bán cả quy trình sản xuất. Chỉ khi sản phẩm gắn với một quy trình minh bạch, đạt tiêu chuẩn và người sản xuất chịu trách nhiệm cho chất lượng sản phẩm của mình thì mới có thể xây dựng được niềm tin với thị trường… Trong lĩnh vực thực phẩm, điều tiên quyết là phải đảm bảo an toàn. Vì vậy, không nên có sự phân biệt về tiêu chuẩn giữa sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và sản phẩm xuất khẩu. Tư duy sản xuất an toàn cần được áp dụng đồng đều, đồng thời đặt ra yêu cầu kiểm soát chặt chẽ đầu vào từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong toàn bộ chuỗi sản xuất”.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất cây ăn quả, góp phần hình thành vùng nguyên liệu ổn định, từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp với nhiều địa phương xây dựng các mô hình sản xuất cây ăn quả tiêu chuẩn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến nhất cho bà con nông dân. Đồng thời, hoạt động khuyến nông tăng cường đào tạo cho nông dân để cập nhật các kiến thức kỹ thuật mới, cũng như những tiêu chuẩn mới của thị trường. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông khuyến nông luôn đồng hành với bà con nông dân trong việc quảng bá giới thiệu sản phẩm tới các thị trường không chỉ trong nước mà còn vườn ra thị trường quốc tế.
Ánh Nguyệt
Trung tâm Khuyến nông quốc gia
Xem thêm tin, bài về Diễn đàn trên các báo:
Báo Nhân dân
Báo Dân Việt
Báo Nông nghiệp và Môi trường
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Chuyên trang tài chính nông nghiệp của Báo điện tử Dân Việt