Tham dự Diễn đàn có đại diện các đơn vị thuộc Bộ; Trung tâm Khuyến nông của 9 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang và một số doanh nghiệp, trang trại, nông dân điển hình...

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan tình hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đặc biệt là vai trò của công tác khuyến nông trong kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị; cơ hội và thách thức cho hàng nông sản Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu… Từ đó tạo ra bước đột phá trong tư duy kinh tế nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa, tạo mối liên kết giữa nông dân - khuyến nông - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà quản lý; gắn sản xuất với thị trường, hội nhập phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu đã trao đổi về vai trò của công tác khuyến nông trong kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định: Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu và giải pháp tối ưu đem lại hiệu quả lớn và lợi nhuận tối đa cho tất cả các bên tham gia. Hiện nay, với quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới đã làm cho chuỗi giá trị vượt ra khỏi biên giới của một quốc gia, vùng lãnh thổ và hình thành chuỗi giá trị toàn cầu. Trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi hàng hóa ngoài các thành phần chủ thể tham gia chính là người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp thì cán bộ khuyến nông đóng vai trò ngày càng quan trọng. Trên khắp các tỉnh/thành trong cả nước, nhiều mô hình sản xuất tiến tiên và hiệu quả, nhiều mô hình liên kết sản xuất bền vững đều có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống khuyến nông.

Hiện nay, sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia, nhất là đối với nông dân, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng. Đến năm 2021, cả nước có gần 7.000 chuỗi liên kết nông nghiệp hoạt động hiệu quả tập trung vào 3 lĩnh vực gồm: chuỗi liên kết do các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện; chuỗi liên kết có chứng nhận an toàn thực phẩm…

leftcenterrightdel
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại diễn đàn 

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, hoạt động khuyến nông mới tập trung vào xây dựng mô hình trình diễn để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chưa có nhiều mô hình tổng hợp, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, tổ chức quản lý sản xuất, xúc tiến thị trường… Một số mô hình chưa có nhà sơ chế đảm bảo điều kiện kỹ thuật. Cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến nông còn hạn chế. Việc khai thác các nguồn kinh phí ngoài nhà nước cho khuyến nông chưa nhiều. Do đó, để hoạt động khuyến nông đạt hiệu quả và chất lượng, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực thực hiện các mô hình khuyến nông theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, mở rộng các mô hình khuyến nông hợp tác với doanh nghiệp nhằm huy động các nguồn lực phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp cũng như xây dựng các mô hình về tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua việc hình thành các nhóm, tổ thu mua.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Nam Định cho rằng, cần đẩy mạnh triển khai các mô hình khuyến nông theo liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ cùng với việc ứng dụng khoa học công nghệ mới, chú trọng các sản phẩm có thị trường tốt, tăng cường khai thác, huy động các nguồn lực thông qua hợp tác với các doanh nghiệp nhằm xã hội hóa công tác khuyến nông; tăng cường thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm. Đồng thời tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng khuyến khích hỗ trợ nông dân và các chủ trang trại thành lập các hợp tác xã kiểu mới, tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã và hộ sản xuất cá thể hình thành các chuỗi kép kín từ khâu sản xuất nguyên liệu tới chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Triển khai đồng bộ xây dựng chuỗi liên kết với phát triển sản phẩm OCOP.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Diễn đàn 

Tại Diễn đàn, các đại biểu đánh giá cao vai trò liên kết của tổ khuyến nông cộng đồng. Thông qua đó, cung cấp cho đội ngũ khuyến nông cơ sở đầy đủ thông tin, kiến thức để họ trực tiếp hỗ trợ, tư vấn, giúp người dân chủ động tham gia vào các hợp tác xã, giúp cho các hợp tác xã kết nối được các doanh nghiệp, thị trường để nâng cao giá trị nông sản. Từ khi thành lập đến nay (tháng 3/2022), hàng trăm mô hình tổ khuyến nông cộng đồng đã được thành lập và hoạt động sôi nổi tại các địa phương. Hải Phòng là địa phương đi đầu trong việc hưởng ứng nhân rộng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng từ cấp xã đến cấp tỉnh. Khuyến nông cộng đồng giữ vai trò là cầu nối giữa cán bộ khuyến nông, nông dân, hợp tác xã và nhà quản lý, doanh nghiệp giúp gia tăng giá trị nông sản, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, thúc đẩy kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng cho biết sẽ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp trong liên kết chuỗi, phát triển thị trường các sản phẩm chủ lực, lợi thế địa phương, nhân rộng các mô hình liên kết hình thành các vùng sản xuất tập trung.

Cũng tại diễn đàn, phần trao đổi thảo luận sôi nổi với nhiều nội dung xoay quanh vấn đề kết nối, tiêu thụ sản phẩm, việc đổi mới thể chế phát triển hợp tác xã, vấn đề tích tụ ruộng đất gặp khó khăn khi muốn mở rộng sản xuất, các chính sách hỗ trợ nông dân, tính minh bạch, trách nhiệm và bền vững trong chuỗi giá trị… Tất cả các câu hỏi đều được đại diện các cơ quan liên quan giải đáp.

Với vai trò kết nối sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, hệ thống khuyến nông cần tiếp tục triển khai các mô hình theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; Xây dựng những vùng nguyên liệu quy mô đồng thời gắn với việc xử lý phụ phẩm nông nghiệp, coi đó là nguồn tài nguyên tái tạo, tạo thành vòng tuần hoàn trong nền kinh tế.

leftcenterrightdel
 GĐ TTKNQG Lê Quốc Thanh trả lời phỏng vấn tại diễn đàn

 

Hoàng Phương – Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Xem thêm tin về diễn đàn trên Báo Nông nghiệp VN; Trang TT Kinh tế của TTXVN; Báo Dân Việt; Báo An ninh HP