Tiềm năng

 

Cây hồi, một loại cây đặc sản lâu đời của tỉnh Lạng Sơn, đã trở thành cây chủ lực với giá trị kinh tế cao. Với tổng diện tích trồng lên tới 48.257,94 ha, sản lượng hồi khô trong ba năm gần đây đạt từ 10.000 đến 16.000 tấn mỗi năm, năng suất trung bình khoảng 0,57 tấn hoa hồi khô/ha/năm. Đặc biệt, hoa hồi Lạng Sơn đã được bảo hộ chứng nhận địa lý từ năm 2007 và là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được châu Âu công nhận theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vào tháng 8 năm 2020.

 

Thị trường tiêu thụ chủ yếu của sản phẩm hồi có thể kể đến như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, thành phố Dubai… Tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu vẫn ở dạng nguyên liệu thô, chưa ổn định. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 4 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và thu mua; 14 HTX nông nghiệp; 17 hộ kinh doanh và các cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh chế biến sản phẩm hoa hồi; Đã có 03 sản phẩm hoa hồi được chứng nhận OCOP 4 sao…

 

Những thách thức

 

Mặc dù cây hồi có nhiều tiềm năng, nhưng việc trồng và chế biến vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất chưa được mở rộng, trong khi phương pháp thu hái, phơi, sấy và chế biến vẫn chủ yếu thực hiện thủ công. Điều này dẫn đến việc năng suất và chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu.

 

Giải pháp nâng cao giá trị

 

Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về những hạn chế hiện tại và bàn các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao giá trị cây hồi.

Các giải pháp được đề xuất  như: trẻ hóa cây hồi già cỗi; chú trọng kỹ thuật tỉa cành, tạo tán và khoanh gốc giúp cây hồi phát triển tốt hơn; lựa chọn giống cây chất lượng giúp đảm bảo năng suất cao và ổn định; đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm tạo ra mạng lưới tiêu thụ mạnh mẽ để hỗ trợ người trồng...

 

Phát Triển Bền Vững

 

Chương trình tọa đàm không chỉ nhằm tuyên truyền mà còn tạo cơ hội cho người dân tiếp xúc với các nhà khoa học và doanh nghiệp để tìm ra những giải pháp khả thi nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây hồi, đáp ứng nhu cầu của thị trường và xuất khẩu. Tọa đàm đã mở ra nhiều cơ hội để  phát triển bền vững cây hồi, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân Lạng Sơn và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

 

Mô hình trồng hồi bền vững tại xã Bình Phúc, huyện Văn Quan

Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu đã tham quan thực tế mô hình trồng hồi hữu cơ tại xã Bình Phúc, huyện Văn Quan. Đây là một hoạt động thiết thực giúp các đại biểu có cái nhìn sâu sát hơn về quy trình sản xuất và tiềm năng phát triển của cây hồi.

Một số hình ảnh của tọa đàm:

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Bảo Toàn 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia