Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Văn Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, sản xuất nông nghiệp nước ta đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, với quy mô, chất lượng theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu. Hiện, nông sản của Việt Nam đã có mặt tại 196 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Toàn cảnh diễn đàn

 

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp cũng đứng trước nhiều thách thức do biến đổi khí hậu gây ra và để ứng phó thì việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Bằng các giải pháp công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.

Mặt khác, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Lâm Đồng là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp thông minh. Với kinh nghiệm trên 15 năm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ sở vật chất, hạ tầng sản xuất cũng như trình độ canh tác, chăn nuôi của nông dân Lâm Đồng cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Tại Lâm Đồng có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân có cơ hội tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông minh để phát triển sản xuất.

Lâm Đồng là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp thông minh

 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng, năm 2021, Lâm Đồng có 63.108 ha ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, diện tích canh tác theo công nghệ IoT 377 ha và 65 ha canh tác thủy canh, khí canh. Toàn tỉnh có 376,6 ha ứng dụng công nghệ thông minh (173,8 ha rau; 187,2 ha hoa; 5,5 ha dâu tây và 10 ha chè chất lượng cao).

Có thể nói việc phát triển nông nghiệp thông minh sẽ là bước đột phá tiếp theo trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên phát triển nông nghiệp thông minh còn nhiều khó khăn, thách thức như: cơ sở dữ liệu số chưa được thiết kế và số hoá đồng bộ; khả năng cung ứng công nghệ cho nông nghiệp thông minh còn hạn chế; tỷ lệ tự động hóa trong nông nghiệp chưa cao; nhu cầu vốn cho công nghệ thông minh cao, trong khi đầu tư cho phát triển nông nghiệp thông minh còn hạn chế; chưa có cơ chế ưu đãi về tín dụng và đất đai cho phát triển nông nghiệp thông minh…

Tại diễn đàn, đại diện ngành nông nghiệp nhiều tỉnh, thành phố; các chuyên gia và đơn vị kinh doanh lĩnh vực công nghệ số đã trao đổi các chuyên đề về phát triển nông nghiệp thông minh, như: chuyển đổi số trong nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng thiết bị tưới trong sản xuất nông nghiệp thông minh, phát triển nông nghiệp thông minh trong sản xuất xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp 4.0 và những thách thức.

Đại biểu tham dự trao đổi các chuyên đề về phát triển nông nghiệp thông minh

 

Các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, như công tác quản lý nhà nước để quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh; giải pháp về nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; xây dựng và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách trong hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh; giải pháp về khoa học -công nghệ, thị trường; vấn đề phát triển nguồn nhân lực và làm chủ công nghệ; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp và tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận nhanh khoa học - công nghệ hiện đại.

Chiều ngày 22/9/2022, các đại biểu đã đi thăm mô hình trồng dâu tây ứng dụng công nghệ IoT tại vườn dâu Nam Anh (thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt) và mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, kỹ thuật nông nghiệp vi sinh Hàn Quốc trong sản xuất rau tại HTX Sunfood Đà Lạt.

Các đại biểu đã đi thăm mô hình trồng dâu tây ứng dụng công nghệ IoT

 

TQT