Ngày 31/5/2013, Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chuyên đề “Cơ giới hóa trong sản xuất lúa” đã được tổ chức tại thành phố Tân An, tỉnh Long An với sự tham dự trên 350 đại biểu, trong đó có trên 200 nông dân đến từ 15 tỉnh thành phía Nam. Trước đó, ngày 30/5/2013, tại Trại sản xuất giống lúa Hòa Phú, Châu Thành, Long An đã có gần 200 đại biểu và nông dân đến tham quan và xem trình diễn máy cấy lúa, máy phun thuốc BVTV, máy bón phân có động cơ của các doanh nghiệp.

 

Cơ giới hóa sản xuất lúa đóng vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp hiện đại, giúp giảm công lao động, giảm giá thành do tiết kiệm giống, vật tư nông nghiệp, giảm thất thoát, tăng lợi nhuận do tăng năng suất sản lượng, đồng thời cũng góp phần quan trọng cho thành công của việc chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng. Việt Nam là nước áp dụng cơ giới hóa sản xuất lúa thuộc loại cao trong khu vực, chủ yếu tập trung ở ba khâu: làm đất, thu hoạch và phơi sấy. Ngoài ra các khâu canh tác và chế biến như gieo sạ, tưới tiêu, bón phân, phun thuốc cũng được áp dụng cơ giới hóa từ 30-90% tùy điều kiện của từng địa phương.

 

Diễn đàn “Cơ giới hóa trong sản xuất lúa” đã nghe 4 báo cáo đề dẫn và ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và đã tiếp nhận và trả lời trên 20 câu hỏi của đại biểu và nông dân. Qua đó giúp cho đại biểu và người sản xuất nắm bắt rõ hơn thực trạng và các giải pháp thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất lúa tại các tỉnh phía Nam.

 

Tại Diễn đàn, các đại biểu và nông dân được biết, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi có tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất cao nhất (khoảng 90%). Nhiều tỉnh đã thực hiện cơ giới hóa làm đất 100% như Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ,… Hiện nay, khoảng 400 ha trong vùng đã sử dụng máy san phẳng đồng ruộng điều khiển bằng laser do Viện lúa Quốc tế IRRI chuyển giao cho hiệu quả cao vì có thể san phẳng đồng ruộng có độ cao chênh nhau trên 30cm xuống chỉ còn 3 cm, rất thuận tiện cho các khâu gieo cấy, chăm bón, tưới tiêu và thu hoạch bằng máy. Riêng Long An đã áp dụng công nghệ này trên 200 ha tại Mộc Hóa. Trại giống lúa Hòa Phú thuộc huyện Châu Thành đã san phẳng 14 ha ruộng để sản xuất giống và là nơi trình diễn các loại máy cơ giới hóa ngày 30/5 vừa qua. Những mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa hiện nay rất phù hợp với việc áp dụng kỹ thuật san phẳng đồng ruộng điều khiển bằng laser và cũng mở ra triển vọng cho việc áp dụng đồng bộ các giải pháp cơ giới hóa cho sản xuất lúa.

 

Từ trước tới nay tập quán của sản xuất lúa các tỉnh phía Nam là gieo vãi, các tỉnh phía Bắc là gieo mạ và cấy. Các khâu này làm bằng tay tốn công và rất hao tốn giống. Công cụ sạ hàng kéo tay ngày càng được các doanh nghiệp cải tiến (Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Thắng đã thay bánh sắt bằng bánh nhựa, hộp đựng giống bằng nhựa) giúp cho diện tích gieo sạ thẳng hàng ngày càng nâng cao và phổ biến ở ĐBSCL hàng chục năm nay và hiện đang triển khai rộng tại các tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Hà Nội,… Việc áp dụng máy cấy đã thay thế hàng trăm công lao động trên 1 ha mà còn đảm bảo yếu tố đồng đều, kịp thời vụ. Muốn cấy bằng máy cần phải làm mạ khay theo phương pháp công nghiệp.

 

Tại buổi trình diễn, có hai đơn vị trình diễn máy gieo mạ khay. Công suất của máy làm mạ này đạt từ 700 - 1.200 khay mạ 1 giờ, với kích thước khay 30x60 cm. Cũng tại điểm trình diễn đã có 3 loại máy cấy của 3 đơn vị: Vinh Thái (Máy cấy đẩy tay nhập của Trung Quốc có cải tiến), Sài Gòn Kim Hồng (máy cấy Hàn Quốc), Khuyến Nông Long An (Kubota - Nhật bản) trình diễn cấy thử trên đồng ruộng theo yêu cầu của Ban tổ chức và được bà con nông dân quan tâm và đánh giá chất lượng tốt. Doanh nghiệp tư nhân Sài Gòn Kim Hồng đã sản xuất đồng loạt tất cả khay mạ cung cấp cho các loại máy cấy trình diễn.

 

Một vấn đề kỹ thuật mà nhiều đại biểu tham quan trao đổi là máy cấy với hàng song (hàng cách hàng) 30cm và hàng con (cây cách cây) 12 cm liệu có phù hợp và đảm bảo mật độ so với cấy tay truyền thống ở khoảng cách 20 x15 (cm) không. Doanh nghiệp tư nhân TM-SX Vinh Thái đã nhập mấy cấy đẩy tay của Trung Quốc về đã cải tiến điều chỉnh khoảng cách của máy cấy là hàng cách hàng từ 30cm xuống 18 cm, cây cách cây có thể điều chỉnh 6 nấc từ 12,6 đến 23,3cm đáp ứng yêu cầu của bà con nông dân. Tuy nhiên tại Diễn đàn các nhà khoa học đã chứng minh bằng số liệu là với mật độ mà máy cấy nhập khẩu (30cm x12cm) đã cho mật độ bông hữu hiệu và năng suất không thua kém hoặc cao hơn so với mật độ mà bà con nông dân yêu cầu cải tiến. Hơn nữa muốn cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa, khoảng cách của máy cấy mà các nhà chế tạo đưa ra rất phù hợp để đưa các loại máy cơ giới hóa khác như chăm sóc thu hoạch vào áp dụng sẽ thuận lợi và mang tính đồng bộ cao. Cải tiến của các doanh nghiệp chỉ phù hợp với thực tại khi chưa áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa.

 

Trong khâu thu hoạch lúa, các thương hiệu của các doanh nghiệp Út máy cày, Tư Sang, Vinh Thái, Đức Ngươn, Minh Phát, Đại Lợi, Cơ Khí Kiên Giang, Vạn Phúc, Hoàng Thắng, Sài Gòn Kim Hồng,… đã quen thuộc gần gũi với bà con nông dân. Các loại máy liên hợp thu hoạch lúa đã được cải tiến không ngừng, hoàn thiện và đáp ứng nhu cầu của sản xuất lúa. Trong Diễn đàn lần này có thêm hai thương hiệu máy nhập khẩu của Nhật Bản là Kubota và Yanmar với những tính năng cải tiến tốt hơn, chất lượng và độ bền cao, giá cả hợp lý đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu và bà con nông dân tham dự.

 

Sau thu hoạch, khâu phơi sấy là một vấn đề bức bách trong sản xuất lúa nhiều năm qua nhất là vụ Hè Thu. Hiện nay lò sấy tĩnh vỉ ngang cải tiến tự động đang được bà con nông dân quan tâm. Tại Diễn đàn, các đại biểu quan tâm đến lò sấy của ông Năm Nhã (An Giang) có thể sấy tới 200 tấn/mẻ, không cần đảo, thời gian sấy từ 10-12 giờ/mẻ. ĐBSCL bước đầu đã hình thành dịch vụ sấy chuyên nghiệp, giúp nông dân có thể bán lúa tươi tại ruộng, giảm thất thoát sau thu hoạch rất nhiều. Trong chế biến các loại máy thu gom, bóc tách vỏ trấu, xay xát, lau bóng,.. được giới thiệu và cũng là mối quan tâm của người sản xuất lúa vì các khâu chế biến giúp cho nâng cao chất lượng gạo phục vụ xuất khẩu.

 

Ngoài ra, buổi trình diễn cũng đã giới thiệu đến bà con nông dân và đại biểu các loại máy bón phân dạng hạt, dạng lỏng có động cơ, có thể dùng phun thuốc BVTV công suất lớn và giảm độc hại cho người sử dụng. Máy phun thuốc công suất lớn tự vận hành có động cơ cũng được giới thiệu đáp ứng nhu cầu chăm sóc lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

 

Kết thúc Diễn đàn, Ban chủ tọa cũng đã tổng hợp ý kiến và đề xuất kiến nghị đến các cơ quan quản lý, nhà khoa học và người sản xuất lúa như sau:

 

- Cần phải tăng cường thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và bà con nông dân để doanh nghiệp có những giải pháp cụ thể thiết thực trong chế tạo, cải tiến, và cung cấp các sản phẩm cho cơ giới hóa sản xuất lúa một cách phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất cho người sản xuất lúa.

 

- Doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu chế tạo phải phối hợp chặt chẽ với nhà quản lý để kịp thời giới thiệu các sản phẩm thiết bị mới, phổ biến thông tin tuyên truyền tới người sản xuất lúa để áp dụng hiệu quả cơ giới hóa trong từng khâu của sản xuất lúa.

 

- Các cơ quan quản lý ở địa phương cần có các định hướng, giải pháp nhằm thúc đẩy việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa của địa phương mình.

 

- Đề nghị Nhà nước nghiên cứu để có chính sách về giải pháp hỗ trợ vốn, vay vốn cho các cơ sở sản xuất, cho người sử dụng có điều kiện cơ hội cung cấp, mua máy móc và các thiết bị mới áp dụng vào cơ giới hóa sản xuất lúa.

 

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm giúp cho người sản xuất áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa có hiệu quả cao nhất.

 

Một số hình ảnh tại buổi trình diễn:

 

Máy cấy đẩy tay Trung Quốc

 

Máy cấy Kubota (Nhật Bản)

 

 Máy gặt đập liên hợp Yanmar

 

Máy kéo và máy cấy đẩy tay của Yanmar (Nhật Bản)

 

PGS. TS Mai Thành Phụng - KS Vũ Tiết Sơn

Trung tâm Khuyến nông QG