Ts. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm KNQG, Ths. Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên chủ trì Diễn đàn.

Toàn cảnh Diễn đàn
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, năm 2000 sản lượng lúa của Việt Nam đạt 32,5 triệu tấn, năm 2012 đã đạt 43,7 triệu tấn và xuất khẩu đạt 8,1 triệu tấn, đứng thứ nhì thế giới. Sản xuất lúa vùng Duyên hải miền Trung chỉ có 538 ngàn ha, chiếm 0,7% diện tích cả nước, sản lượng chỉ chiếm 0,68% sản lượng lúa cả nước. Sản xuất lúa miền Trung gặp nhiều khó khăn do điều kiện đất đai tự nhiên không thuận lợi, thường gặp nhiều thiên tai, bão lụt, có tới 3% diện tích thường bị hạn hán, 25% đất trũng, chỉ có khoảng 5% diện tích đồng bằng có khả năng tưới tiêu. Do địa hình phức tạp mà cơ cấu giống cũng rất đa dạng, sử dụng quá nhiều giống và phẩm cấp chất lượng lúa không đồng đều nên sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu mà chủ yếu phục vụ tiêu dùng tại địa phương. Chỉ đạo của cơ quan chuyên ngành là vùng Duyên hải miền Trung nên sử dụng giống có thời gian sinh trưởng từ 90-120 ngày đối với vụ Đông Xuân, từ 90-100 ngày đối với vụ Hè Thu. Từ Đà Nẵng đến Bình Định áp dụng các giống có nguồn gốc phía Bắc và từ Phú Yên đến Bình Thuận áp dụng các giống lúa có nguồn gốc phía Nam. Bên cạnh đó do ruộng đồng manh mún nên gây khó khăn cho thủy lợi, khó áp dụng cơ giới hóa và làm ăang chi phí, làm giảm giá trị của sản xuất gạo. Hệ thống thu mua bao tiêu còn chưa hoàn thiện nên lợi nhuận rơi vào các khâu trung gian, người nông dân không được hưởng lợi nhiều trong khi lại chịu chi phí về giống, phân bón thủy lợi cao.
Tỉnh Phú Yên có khoảng 57 ngàn ha sản xuất lúa, sản lượng đạt hơn 36,7 vạn tấn/năm, năng suất bình quân đạt 6,3 tạ/ha, thấp hơn so với đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, chất lượng gạo chưa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nên giá trị chưa cao. Gần đây tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo nâng cao chất lượng lúa. Từ năm 2010 đến nay, với nhiều nguồn vốn, tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình lúa chất lượng như mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, mô hình “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP” với diện tích khoảng hơn 200 ngàn ha. Trại giống lúa Hòa An, Phú Hòa đã sản xuất và thường xuyên cung ứng các giống lúa xác nhận chất lượng cao cho bà con nông dân, nhựng thực tế không đáp ứng đủ nhu cầu nên nông dân còn tập quán sử dụng giống không xác nhận dẫn đến chất lượng lúa không cao. Ngoài các giống chất lượng cao, trại còn sản xuất các giống lúa lai, giống lúa gạo đỏ, giống lúa chịu hạn, chịu mặn,…

Hội thảo mô hình cánh đồng mẫu lớn lúa giống chất lượng tại Phú Hòa, Phú Yên
Tuy nhiên sản xuất lúa chất lượng miền Trung nói chung và Phú Yên nói riêng còn nhiều khó khăn trong mối liên kết 4 nhà, thiếu ràng buộc pháp lý, cơ sở hạ tầng của hệ thống thủy lợi còn hạn chế, sâu bệnh hại còn gây hại nặng…
Diễn đàn “Phát triển lúa chất lượng” đã thu hút 279 đại biểu, trong đó có 140 nông dân.Tổng số câu hỏi lần này tuy không nhiều, chỉ có 17 câu hỏi (8 câu về kỹ thuật, 4 câu về quản lý và 5 câu hỏi về thị trường) nhưng phạm vi câu hỏi rất rộng và phải trao đổi nhiều thông tin liên quan để giúp bà con nông dân hiểu được thực trạng và giải pháp mà Diễn đàn đề cập.

Đại diện Ban cố vấn trả lời câu hỏi của Diễn đàn
Kết luận tại Diễn đàn, Ts. Phan Huy Thông nhấn mạnh phát triển lúa chất lượng là nhu cầu tất yếu, đòi hỏi kỹ thuật thâm canh cao, giảm lượng phân bón thuốc trừ sâu nhưng đồng thời cũng giảm năng suất. Dù tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu đều phải quan tâm đến nhu cầu của thị trường để từ đó có kế hoạch sản xuất cho ra những sản phẩm phù hợp. Diễn đãn cũng đề xuất các giải pháp như chú trọng công tác giống, tuân thủ kỹ thuật canh tác, hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch bảo quản chế biến, và phơi sấy kịp thời; Tổ chức lại sản xuất, liên kết trong sản xuất để tạo sản phẩm đồng nhất, tăng cường xúc tiến thương mại xây dựng thương hiệu nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó cần có chính sách và vận dụng vào sản xuất nhằm đem lại lợi ích cho người trồng lúa để phát triển lúa chất lượng.
VTS – Trung tâm KNQG