Tham dự diễn đàn có gần 300 nông dân của thành phố Hồ Chí Minh trong tổng số 400 đại biểu cùng các nông dân chăn nuôi bò sữa điển hình của Bình Dương, Sóc Trăng. Đại diện lãnh đạo các ban ngành nông nghiệp của 10 tỉnh thành lân cận, các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các Viện, trường, Trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp cùng học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sữa.

Toàn cảnh diễn đàn (Ảnh: Tiết Sơn)

Ở nước ta, chăn nuôi bò sữa đã phát triển hàng chục năm nay. Từ chỗ chỉ có 41000 con năm 2001 đã tăng lên 128500 con năm 2010, nâng sản lượng sữa bình quân/người cao gấp mười lần. Năm 2011 ước tính sản lượng sữa đạt khoảng 329 ngàn tấn, đáp ứng 22% nhu cầu trong nước và Chính phủ Việt Nam đang cố gắng đáp ứng 38% nhu cầu trong nước vào năm 2020. Hiện nay bình quân ở miền Bắc đạt khoảng 4 con/hộ và ở miền Nam khoảng 6 con/hộ. Như vậy, qui mô chăn nuôi bò sữa còn mang tính nhỏ lẻ, dự báo trong giai đoạn 2010-2015 tốc độ tăng đàn sẽ ở mức 15% và vào giai đoạn 2015-2020 khoảng 10%. Chính vì chăn nuôi qui mô nhỏ lẻ nên ngành bò sữa Việt Nam đứng trước nhiều thách thức như: Người chăn nuôi ít kinh nghiệm đồng nghĩa với việc khó khăn trong chăn nuôi bò sữa cao sản và ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng sữa. Phương thức còn lạc hậu, chưa được cải tiến, chưa áp dụng được các công nghệ hiện đại trên thế giới. Quĩ đất dành cho bò sữa ngày càng bị hạn chế nên không mở rộng được qui mô. Nguồn cung cấp thức ăn cho bò sữa hiện nay chủ yếu là nhập khẩu nên đã làm tăng giá thành sản xuất sữa và hạn chế tính cạnh tranh để phát triển. Trong các tỉnh chăn nuôi bò sữa, thành phố Hồ Chí Minh là thành phố đi đầu về phát triền chăn nuôi bò sữa, với số đầu con chiếm 62% tổng đàn bò sữa cả nước, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã cung cấp cho các tỉnh khác trong khu vực rất nhiều giống bò sữa tốt.

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp đã nhận được hơn 40 câu hỏi của các đại biểu tập trung thảo luận nhiều về các vấn đề như giống; yếu tố kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, kiểm soát và nâng cao chất lượng sữa, hoàn thiện hệ thống thu mua sữa, khuyến cáo bà con chăn nuôi sử dụng tinh phân biệt giới tính để thụ tinh nhân tạo, cải tiến chế độ dinh dưỡng, chế độ chăm sóc. Đồng thời các doanh nghiệp cũng đã cung cấp thông tin về mạng lưới cung ứng máy móc, công cụ hỗ trợ trong khâu chăn nuôi, thu hoạch xử lý sữa như máy vắt sữa, máy băm thái cỏ, máy trộn thức ăn, áp dụng hầm Bioga để xử lý môi trường chăn nuôi; công nghệ mới trong chế biến, bảo quản và cung cấp thức ăn cho bò sữa; các gói giải pháp cho từng vùng, từng tỉnh, tăng đầu tự và xác định qui mô phù hợp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Được biết, để tôn vinh thành công của nghề chăn nuôi bò sữa, ngày 2/12/2011, hội thi chung kết hoa hậu bò sữa sẽ được Sở Nông nghiệp – PTNT thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Củ Chi.

Lãnh đạo TTKNQG tham quan khu vực dự thi hoa hậu bò sữa tại Củ Chi (Ảnh: Tiết Sơn)

Tuyết Nhung – TTKN Bình Phước