Thanh long được xác định là 1 trong 11 loại cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh ở nước ta, là một trong những mặt hàng trái cây được xuất khẩu nhiều nhất. Kim ngạch xuất khẩu thanh long năm 2009 khoảng 39 triệu USD, năm 2010 đạt gần 60 triệu USD. Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu ước 48 triệu USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ.
Thanh long ruột đỏ được đưa về trồng ở các tỉnh phía Bắc từ năm 2001 và được trồng khảo nghiệm ở 3 điểm: Trâu Quỳ (Gia Lâm), Kim Quan (Thạch Thất, Hà Nội) và Phủ Quỳ (Nghệ An). Kết quả trồng khảo nghiệm cho thấy, cây thanh long ruột đỏ có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt; ra hoa nhiều đợt trong năm, từ tháng 4 đến tháng 10 nên có thể rải vụ thu hoạch, tiềm năng năng suất cao trong điều kiện sinh thái một số tiểu vùng miền Bắc.

 

Các đại biểu tham dự diễn đàn đã đi thăm mô hình trồng và nhân giống cây thanh long ruột đỏ tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội. Mô hình có quy mô 20 ha cho thấy, cây thanh long ruột đỏ thích hợp với vùng đất đồi gò, sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu miền Bắc. Hiệu quả kinh tế của mô hình cao gấp 3 lần trồng sắn. Việc chăm sóc thanh long ruột đỏ áp dụng theo tiêu chuẩn ViêtGap tạo ra sản phẩm an toàn, sạch bệnh. Trọng lượng bình quân đạt 2 - 3 quả/kg, vỏ có màu đỏ tươi, tai quả dài hơn thanh long ruột trắng, ruột đỏ thẫm, khi mới thu hái, quả ăn có vị ngọt hơi chua được khách hàng ưa chuộng.

 

Đoàn đại biểu thăm mô hình nhân giống cây thanh long ruột đỏ tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội

 

Hiện, Hà Nội có trên 40 ha trồng thanh long ruột đỏ (riêng huyện Ba Vì có 20 ha). Ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cho biết, trồng thanh long ruột đỏ tại một số huyện ở Hà Nội có hiệu quả. Theo Đề án phát triển cây ăn quả của Hà Nội, phấn đấu đến năm 2015, diện tích trồng cây thanh long ruột đỏ sẽ đạt 100 ha. Do vậy, trong thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục khảo nghiệm cây thanh long ruột đỏ ở các huyện ngoại thành, và có kế hoạch mở rộng diện tích ở những địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm ban hành quy trình cụ thể về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ tại phía Bắc.

 

Tại diễn đàn, bà con nông dân và các đại biểu chủ yếu tập trung vào các vấn đề về: ươm giống; kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng chống sâu bệnh hại; biện pháp nâng cao năng suất chất lượng trong điều kiện khí hậu, đất đai miền Bắc; kinh nghiệm sản xuất, mức đầu tư trồng mới… Các câu hỏi của bà con đã được Ban cố vấn, Ban chủ tọa diễn đàn trả lời và giải đáp cụ thể.

 

Cũng tại diễn đàn, Ban cố vấn, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã đưa ra một số khuyến cáo với bà con trồng thanh long tại các tỉnh phía Bắc như: thanh long ruột đỏ là cây thích hợp trồng trên đất nhẹ, thoát nước, yêu cầu chế độ thâm canh cao, nguồn nước tưới dồi dào, đầu tư ban đầu cho sản xuất khá lớn. Đến nay, chưa có những nghiên cứu đầy đủ về yêu cầu kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ tại miền Bắc. Quả thanh long ruột đỏ trồng ở các tỉnh phía Bắc thường nhỏ, chất lượng thấp hơn so với các giống thanh long ruột đỏ mới được chọn tạo, trồng ở các tỉnh phía Nam. Bên cạnh đó, miền Bắc có mùa đông lạnh không thuận lợi cho thanh long sinh trưởng, ra hoa, đậu quả. Điều kiện tự nhiên của các vùng thuộc miền Bắc là rất khác nhau, có vùng thuận lợi cho thanh long sinh trưởng, phát triển; có vùng không thể trồng thanh long như sản phẩm hàng hóa. Một số đối tượng sâu, bệnh mới xuất hiện, gây hại khá nguy hiểm như: bệnh thối cành, thối quả do nấm gây ra đã ảnh hưởng đáng kể đến sinh trưởng, phát triển, năng suất của giống. Chính vì vậy, trong thời gian tới các cơ quan nghiên cứu cần nghiên cứu, khảo nghiệm đánh giá giống ở một số vùng sinh thái; nghiên cứu sâu hơn các yếu tố kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh, tưới nước và cắt cành. Đặc biệt, nghiên cứu về chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp nhằm cải thiện trọng lượng và chất lượng quả.

 

 

Các nhà nghiên cứu đầu ngành về cây thanh long tại tỉnh Bình Thuận khuyến cáo bà con nông dân trồng thanh long ruột đỏ các tỉnh phía Bắc

cần tâm huyết và nắm vững về công tác kỹ thuật

TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, phát triển trồng cây thanh long, nhất là thanh long ruột đỏ ở phía Bắc phải có sự chỉ đạo, hướng dẫn chặt chẽ, tránh tự phát. Thời gian tới cần có những nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá giống và các biện pháp kỹ thuật phù hợp theo các tiểu vùng sinh thái; chỉ phát triển ở một số tiểu vùng có điều kiện đất đai và khí hậu tương đối phù hợp, các hộ có khả năng đầu tư chăm sóc đăng ký thực hiện để đạt năng suất và chất lượng tốt. Đặc biệt, các địa phương phải chú trọng quản lý chất lượng giống, hỗ trợ hình thành các liên kết giữa người sản xuất với các cơ sở tiêu thụ để tránh tình trạng ép cấp, ép giá đối với người sản xuất.

 

Vân Quỳnh - Hải Đường