Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, vụ chiêm xuân 2015-2016 tỉnh Thanh Hóa cơ bản hoàn thành kế hoạch gieo trồng. Đối với cây lúa, các trà gieo cấy trước Tết không bị chết rét đến nay đang bước vào giai đoạn làm đòng; các trà phải gieo cấy lại đến nay đang ở cuối giai đoạn đẻ nhánh.
Hiện nay, thời tiết đang ấm dần, thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển, tuy nhiên cũng là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại. Qua kiểm tra cho thấy, bệnh đạo ôn lá đã và đang gây hại, tỷ lệ bệnh phổ biến 2-5%, cao 10% (cục bộ 20%), tại một số huyện: Thường Xuân, Ngọc Lặc, Nông Cống, Thiệu Hóa, Nga Sơn, Hoằng Hóa,... Dự báo, thời gian tới bệnh đạo ôn trên lúa sẽ tiếp tục phát sinh và gây hại. Đặc biệt hại nặng trên các ruộng lúa xanh tốt, bón nhiều đạm, trên các giống nhiễm như: Nếp, Q5, Xi 23,…
Để đảm bảo phòng trừ tốt bệnh ôn và triển khai các biện pháp chăm sóc cho cây lúa ở cuối vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đã và đang thực hiện quyết liệt công tác phân công, chỉ đạo cán bộ các phòng, ban chuyên môn bám sát đồng ruộng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, triển khai thực hiện tốt một số giải pháp sau:
- Hướng dẫn, đôn đốc nông dân tự kiểm tra đồng ruộng, để phát hiện bệnh sớm, nhất là các vùng nguy cơ cao, những ổ bệnh ở những vụ trước, trên các giống nhiễm. Đồng thời thông tin thường xuyên, cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng tình hình sâu bệnh hại lúa và các biện pháp phòng trừ cụ thể.
- Trên những ruộng đã xuất hiện bệnh, hướng dẫn nông dân không bón phân đạm, phân bón lá, kích thích sinh trưởng và phải đảm bảo đủ nước; tổ chức phun trừ bằng các loại thuốc đặc trị theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Sau khi phun thuốc lần 1 từ 5-7 ngày, kiểm tra nếu còn thấy vết bệnh tiếp tục phun lần 2 để phòng trừ triệt để.
- Ngoài công tác phòng trừ bệnh đạo ôn, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng gây hại khác như rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột hại, bệnh khô vằn, sâu đục thân cuối vụ… để phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời. Điều chỉnh mực nước hợp lý đảm bảo cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật hạn chế đẻ nhánh vô hiệu, bón phân cân đối, bón thúc đúng thời điểm khi lúa đứng cái làm đòng./.
Nguyễn Trọng Minh
Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa