Để thực hiện mục tiêu trên, Hiệp hội Chè Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp như: nhanh chóng xác định các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao để đưa vào ứng dụng. Lựa chọn hình thức nhân giống cho từng loại chè thành phẩm: chè xanh, chè orthodox, chè CTC... 100% diện tích trồng mới và trồng dặm đều bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng. Thay thế dần các diện tích chè giống cũ, lâu năm, năng suất thấp và diện tích mất khoảng bằng các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Cải tiến kỹ thuật trồng mới theo hướng giảm và tối ưu hóa số lượng cây trồng cho phù hợp với từng giống chè. Áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế trong chè. Phải có vùng nguyên liệu chủ động, không ảnh hưởng đến việc tranh chấp nguyên liệu của các nhà máy hiện có. Nhà xưởng máy móc thiết bị đầu tư phải theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, đủ điều kiện chế biến ra sản phẩm chè có chất lượng cao. Đầu tư mở rộng và xây dựng mới các dây chuyền sản xuất chè CTC, phấn đấu đến năm 2020 sản lượng chè CTC xuất khẩu đạt 49.000 tấn (năm 2010 là 18.000 tấn). Cải tiến và nâng cấp các nhà máy chè đen OTD hiện có để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất chè xuất khẩu và vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất ra đáp ứng yêu cầu thị trường. Đến năm 2020 sản lượng xuất khẩu đạt 73.000 tấn (năm 2010 là 62.000 tấn).

Cả nước hiện có 136.000 ha chè, năng suất bình quân 7 tấn/ha, sản lượng xuất khẩu năm 2010 là 130.000 tấn, xếp hàng thứ 5 về sản xuất và xuất khẩu chè trên thế giới. Phần lớn diện tích chè hiện trên cả nước là giống chè trung du lá nhỏ, năng suất, chất lượng thấp, đang bị thoái hóa. Chất lượng sản phẩm chè Việt Nam còn thấp, không ổn định. Giá xuất khẩu bình quân bằng 60% giá bình quân thế giới. Năng suất lao động thấp, diện tích sản xuất manh mún nhỏ lẻ khiến thu nhập của người trồng chè chưa đảm bảo cuộc sống và khó có cơ hội đầu tư vào cây chè...

Thành Trung