Ông Giáp Văn Thành và ông Vi Văn Bẩy (thôn Kép I xã Hồng Giang) bên vườn vải thiều xuất khẩu được cấp mã vùng theo tiêu chuẩn GlobalGAP
Cũng giống như nhiều hộ dân khác, những ngày vừa qua, vườn vải thiều của gia đình ông Vi Văn Bẩy ở thôn Kép I, xã Hồng Giang thường xuyên được đón khách đến thăm quan, chụp ảnh và mua vải thiều về làm quà. Với diện tích vườn vải rộng 2 ha trong đó gần 1 ha được nhà nước cấp mã vùng sản xuất vải thiều sạch an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP, vụ này, gia đình ông Bẩy ước thu hoạch được hơn 10 tấn vải thiều tươi, giảm khoảng 5 tấn so với vụ trước. Từ đầu vụ đến nay, ông Bẩy đã thu hoạch và bán được 5 tấn quả với giá đạt trên 28 nghìn đồng/kg, cao hơn 7 nghìn/kg so với vụ trước.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bẩy cho biết, để sản xuất vải thiều xuất khẩu theo tiêu chuẩn GlobalGAP hiệu quả, ngoài việc vận dụng các kỹ năng chăm sóc vải thiều vốn có, chúng tôi cần giữ cho vườn sạch, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, trong đó không dùng 5 loại thuốc có hoạt chất Mỹ cấm và bảo đảm thời gian cách ly khi thu hoạch sản phẩm.
Ngoài gia đình ông Vi Văn Bẩy, năm nay, thôn Kép I, xã Hồng Giang có 23 hộ được cơ quan chức năng cấp mã vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích khoảng 23 ha. Đây là vụ thứ hai các thành viên trong nhóm sản xuất vải thiều xuất khẩu thôn Kép I đã thực hiện thành công việc chăm sóc vải thiều theo quy trình GlobalGAP. Nhờ thế giá trị thương hiệu quả vải của địa phương được nâng cao.
Ông Giáp Văn Thành, nhóm trưởng nhóm sản xuất vải thiều xuất khẩu thôn Kép I cho biết thêm, ngay từ đầu vụ vải thiều năm nay, khi được cán bộ khuyến nông và Chi cục bảo vệ thực vật tập huấn kỹ thuật chăm sóc vải thiều GlobalGAP, các thành viên trong nhóm đã áp dụng vào chăm sóc vườn vải thiều. Nhà nào cũng có sổ sách ghi chép cẩn thận lịch trình chăm sóc vải thiều từ khâu tưới nước, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật... và có sự kiểm tra chéo nên khẳng định chất lượng quả vải rất tốt. Chúng tôi cũng mong muốn là từ vụ sau sẽ có doanh nghiệp về bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con để bảo đảm giá cả quả vải thiều ổn định hơn.
Vụ vải thiều năm nay, xã Hồng Giang có tổng diện tích 680 ha vải thiều cho thu hoạch, trong đó có 400 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 100 ha sản xuất vải thiều xuất khẩu theo quy trình GlobalGAP. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên sản lượng vải thiều của xã năm nay ước chỉ đạt gần 5.000 tấn quả tươi, giảm so với vụ năm 2015. Hiện nông dân trong xã đang tập trung thu hoạch vải thiều đưa đi tiêu thụ. Do địa bàn xã Hồng Giang có quốc lộ 31 chạy qua nên ngay trên địa bàn xã đã có tổng cộng 35 điểm đại lý thu mua vải thiều lớn, trong đó có 25 điểm cân cho thương nhân Trung Quốc. Nhìn chung, công tác thu hoạch và tiêu thụ vải thiều của xã năm nay diễn ra thuận lợi và giá cả đạt cao hơn so với vụ vải thiều năm ngoái. Ông Bùi Cao Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Giang cho biết thêm.
Có thể thấy, nhờ tập trung đẩy mạnh vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP nên những năm qua, chất lượng quả vải thiều của xã Hồng Giang không ngừng được nâng cao, không chỉ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường tính như Mỹ, Úc, Malaysia. Theo đó, góp phần nâng cao thương thiệu và giá trị của sản phẩm vải thiều mang thương hiệu vải thiều Lục Ngạn.
Đoàn cán bộ Hội Nhà báo Thái Lan về thăm vùng vải thiều xuất khẩu thôn Kép I, xã Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn năm 2016, diện tích vải thiều toàn huyện còn 16.293 ha, trong đó có 10.500 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và diện tích vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP gần 218 ha (tăng hơn 100 ha so với vụ trước). Vụ này, do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên ước sản lượng vải thiều toàn huyện chỉ đạt 75.000 tấn (giảm khoảng 50.000 tấn so với vụ trước), trong đó có từ 42.000 - 45.000 tấn vải thiều VietGAP và khoảng 1.000 tấn vải thiều đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Nhìn chung, quả vải thiều năm nay có chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn so với năm 2015.
Nhờ các cấp, các ngành từ Trung ương xuống địa phương tập trung làm tốt công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ nhân dân tiêu thụ vải thiều nên công tác thu hoạch và tiêu thụ vải thiều của huyện Lục Ngạn cơ bản thuận lợi. Đến nay, huyện Lục Ngạn đã thu hoạch và tiêu thụ được trên 60.030 tấn vải thiều các loại, hiện giá bán vải thiều đang dao động từ 10 – 24 nghìn đồng/kg. Trong đó, vải thiều tươi đã được tiêu thụ khắp toàn quốc. Tổng số lượng tiêu thụ nội địa 26.400 tấn. Đặc biệt, hưởng ứng tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội năm 2016, tổng sản lượng vải đã cung ứng tại hệ thống siêu thị BigC đến nay là 35 tấn, hệ thống siêu thị Hapro là 4 tấn, giá bán tại các siêu thị từ 35.000 - 45.000 đồng/kg.
Cùng đó, vải thiều Lục Ngạn đã xuất khẩu sang các nước: Trung Quốc, Malaysia, Australia, Mỹ... với số lượng 33.630 tấn, trong đó xuất sang thị trường Trung Quốc qua 2 cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai gần 28.000 tấn, giá trung bình từ 25.000 - 38.000 đồng/kg; xuất khẩu thị trường khác được 22,2 tấn gồm 10 tấn vải thiều sang thị trường Malaysia, Công ty TNHH Ánh Dương Sao đã xuất được 1 tấn vải sang thị trường Mỹ, xuất sang thị trường Australia là 11,2 tấn.
Đức Thọ
Đài Truyền thanh Lục Ngạn - Bắc Giang