Có lợi thế diện tích đất vườn đồi lớn, điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, chính sách kích cầu đa dạng... tất cả các yếu tố đó hợp lại đã đưa huyện Vũ Quang trở thành thủ phủ trồng cam của tỉnh Hà Tĩnh. Hơn thế, việc đầu tư bài bản, hướng tới nền sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn về môi trường đang ngày càng được người dân và chính quyền địa phương nơi đây chú trọng triển khai thực hiện.

Xã Đức Bồng có diện trồng cam khoảng 420ha, trong đó đã có 100 ha trồng cam VietGAP và hữu cơ. Năm 2022 được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình thâm canh cam đạt tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các loại phân bón và thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học một cách hợp lý nhằm cải tạo, bổ sung vi sinh vật có lợi cho đất, giúp cây phát triển rễ tơ khỏe mạnh, hấp thu dinh dưỡng tốt, ít bị sâu bệnh. Đồng thời hướng dẫn các hộ thay thế cây cam già cỗi, kém hiệu quả bằng các giống cam chất lượng. Mô hình thực hiện với quy mô 7 ha, 5 hộ của Tổ hợp tác trồng cam VietGAP tại thôn 6 tham gia. Sau gần 1 năm thực hiện chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng hợp lý đã giúp cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh; năng suất tăng ít nhất 20% trở lên so với không đầu tư, chất lượng tốt hơn, quả to, đều, màu sắc đẹp, mẫu mã bắt mắt, mọng và ngọt hơn, giá bán mỗi ki-lô-gam cao hơn từ 3 – 5 nghìn đồng.

leftcenterrightdel
 Cây cam đầy sức sống, chất lượng và mẫu mã quả được nâng lên khi áp dụng quy trình thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP

Còn ở xã Đức Lĩnh, từ khi được tham gia mô hình trồng cam theo hướng hữu cơ, 03 ha cam của anh Lê Doãn Hùng được trồng trên vùng đồi khe Xối Nác dường như đang được thay màu áo mới. Khác với những gì trông thấy trước đây, sau 3 năm áp dụng quy trình thâm canh cây cam theo hướng hữu cơ, vườn cam của gia đình anh Hùng không còn còi cọc, sâu bệnh, đất đai cằn cỗi nữa mà thay vào đó là cây khỏe hơn, cam sai quả, đất đai cũng trở nên màu mỡ.

Anh Hùng cho chúng tôi biết: Sản xuất theo hình thức này, người trồng phải mất nhiều công sức hơn, bởi quá trình bón phân, trị bệnh cho cây đều theo quy trình nghiêm ngặt. Ngoài việc phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc sinh học thì vào thời điểm cam sắp thu hoạch, gia đình anh lắp bóng UV vào buổi tối để bắt bướm lâm nghiệp và ngài chích hút quả. Chính vì vậy, cam không bị rụng do côn trùng chích hút, quả cam mọng nước, ngọt, ít bị sâu bệnh, giá cả và đầu ra của trái cam ổn định, được người tiêu dùng ưa chuộng.

leftcenterrightdel
Mô hình trồng cam đạt tiêu chuẩn hữu cơ của anh Lê Doãn Hùng tại đồi khe Xối Nác, xã Đức Lĩnh cho năng suất cao 

Trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang được biết, quá trình kiểm tra, đánh giá cho thấy, trung bình một năm, sau khi trừ chi phí, mô hình trồng cam hữu cơ đã mang lại thu nhập cho mỗi hộ từ 70 triệu đến 100 triệu đồng cho 1 ha. Giá cam hữu cơ cũng cao hơn giá cam sản xuất bình thường khoảng 5.000-7.000 đồng/kg. Hiện nay, thương hiệu “Cam Đức Lĩnh- Vũ Quang” bán trên thị trường có giá từ 25.000-30.000 đồng, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, địa phương cũng đã tiến hành khâu nối liên kết giữa người nông dân và các doanh nghiệp để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.

Được biết, toàn huyện Vũ Quang hiện có gần 2.600 ha cam, trong đó gần 2.100 ha đã cho thu hoạch. Năm nay, ở giai đoạn cây ra hoa, kết trái gặp phải thời tiết mưa lạnh thất thường, khiến tỷ lệ hoa rụng nhiều, không đậu được quả nên năng suất cuối vụ giảm, đạt khoảng 25.000 tấn, bằng 85% so với năm 2021. Tuy nhiên, đổi lại chất lượng sản phẩm đảm bảo, mẫu mã quả đẹp vì người trồng luôn chú trọng đến kỹ thuật chăm sóc, mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP; đặc biệt có một số diện tích đã được chuyển đổi sang phương thức canh tác hữu cơ. Do vậy, sản phẩm bán rất được giá.

Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng VietGAP và hữu cơ để góp phần nâng cao giá trị của cam chanh và một số sản phẩm cây ăn quả có múi, huyện Vũ Quang còn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, đưa sản phẩm cam tham gia các hội chợ tại nhiều tỉnh thành để thể giới thiệu sản phẩm cam chanh hữu cơ đến với đông đảo người tiêu dùng trong cả nước. Mô hình sản xuất cam VietGAP, cam hữu cơ đang thực sự mở ra triển vọng mới để nhân rộng, nhằm nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm cam chanh của địa phương./.

Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh