leftcenterrightdel

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thực hiện nghi thức bỏ lúa giống vào máy gieo sạ để phát động thực hiện Đề án

Xác định đây là đề án có ý nghĩa đặc biệt to lớn, với mục tiêu góp phần giúp Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng "bằng 0" vào năm 2050, đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), nên toàn ngành nông nghiệp xác định cần nhiều nguồn lực hỗ trợ. Đến năm 2030 sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Đề án triển khai tại 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (trừ tỉnh Bến Tre) và chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2024-2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180 nghìn ha; Giai đoạn 2 (2026-2030) xác định rõ vùng trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới, trong giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu là đầu tư cho những vùng diện tích mới trên cơ sở hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị.

Khuyến nông đồng hành cùng nông dân

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan tin tưởng hệ thống khuyến nông sẽ hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong việc thực hiện Đề án này. Bộ trưởng chia sẻ: “Thách thức lớn nhất trong các thách thức không phải từ các yếu tố kinh tế hoặc những vấn đề kỹ thuật, mà từ yếu tố con người, những người nông dân. Thay đổi tiêu chuẩn quy chuẩn không khó, thay đổi những người thực hiện tiêu chuẩn quy chuẩn đó mới khó. Thay đổi quy trình sản xuất không khó, thay đổi người thực hiện quy trình đó mới khó”. Ông nhấn mạnh, một cuộc cách mạng mới, không thể diễn ra trong phòng hội nghị, hội thảo, diễn đàn, trong các nghị quyết, kế hoạch hành động. Cuộc cách mạng mới sẽ trên đồng ruộng, trong mỗi ngôi nhà của người nông dân, trong nghĩ suy của từng người nông dân. Không ai có thể thay người nông dân quyết định vận mệnh của mình. Hàng triệu nông dân cần được tập hợp vào các tổ nhóm nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã, chứ không thể mạnh ai nấy đi, mục tiêu ai nấy tìm. Hàng triệu nông dân cần được hiểu rõ mục tiêu và con đường đi đến mục tiêu đó. Nhưng hàng triệu nông dân đang ở đâu, đang nghĩ gì, đang làm gì? Một lần nữa, ai đứng bên cạnh người nông dân trên những luống cày? Đó chỉ là lực lượng khuyến nông, từ khuyến nông trung ương cho đến khuyến nông cộng đồng. “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông” không phải là khẩu hiệu mà là hành động, là nghĩa vụ, là sứ mạng. Đây là thời điểm đội ngũ khuyến nông thể hiện vai trò là bạn nhà nông, cùng nhà nông, vì nhà nông. Cuộc cách mạng mới diễn ra trên đồng ruộng, nhưng thành công chỉ đến khi và chỉ khi năng lực của người nông dân được nâng lên. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống, trong đó khuyến nông và khuyến nông cộng đồng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa, triển khai Đề án này chính là từng nấc thang đưa người trồng lúa đến với sự thịnh vượng.

Khuyến nông và vai trò tổ chức lại sản xuất, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho người nông dân

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung cho biết, thực hiện đề án này cần đảm bảo 3 yếu tố, đó là chất lượng, giảm phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh. Bộ sẽ tuyên truyền, phổ biến đề án đến các bên liên quan, đặc biệt là địa phương mà tập trung là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi tiên phong thực hiện đề án.

Theo đó, hệ thống khuyến nông sẽ cùng các đơn vị liên quan xây dựng mô hình áp dụng các gói kỹ thuật về canh tác lúa bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện các quy trình xử lý rơm rạ; tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các hộ nông dân, hợp tác xã.

Đồng thời hệ thống khuyến nông sẽ hỗ trợ các hộ trồng lúa, hợp tác xã, doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, thực hiện truyền thông với nhiều hình thức, tập huấn, chuyển giao cho hộ trồng lúa và hợp tác xã biện pháp canh tác bền vững, biện pháp xử lý rơm rạ, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến thức quản trị, kinh doanh, thị trường, chuyển đổi số. Đặc biệt là xây dựng chương trình khuyến nông riêng cho phát triển sản xuất lúa phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó ưu tiên nâng cao năng lực cho tổ chức khuyến nông cộng đồng.

Doanh nghiệp dẫn dắt, khuyến nông cộng đồng làm cầu nối

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam: Với ý nghĩa của việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính trong tình hình hiện nay, đây là vấn đề khó, đòi hỏi có sự tham gia của các ngành, các cấp và các thành phần kinh tế. Cán bộ khuyến nông cộng đồng tại các địa phương trong 2 năm vừa qua là làm tốt nhiệm vụ của mình và tạo được những dấu ấn rất đáng khích lệ, nhiều nơi còn có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Do vậy, có thể coi đây là lực lượng nòng cốt để đồng hành cùng nông dân. Thứ trưởng khẳng định: Vấn đề xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữ vai trò quan trọng, cần có sự tham gia, phối hợp của các bên. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò quản lý, định hướng xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu và xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển hệ thống logistic, phát triển thương hiệu theo hướng “lúa sinh thái”, “lúa phát thải thấp”. Các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt, cung ứng nguyên liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Nông dân trồng lúa và hợp tác xã giữ vai trò trực tiếp sản xuất và tổ chức lại sản xuất theo tiêu chuẩn, quy trình và thực hiện quy mô phát triển liên kết hợp tác sản xuất. Ở đây, lực lượng khuyến nông cộng đồng giữ vai trò là cầu nối truyền tải kiến thức khoa học công nghệ, chủ chương chính sách của Nhà nước đến nông dân.

Khuyến nông sẵn sàng tham gia triển khai Đề án

Việt Nam là quốc gia được đánh giá có hệ thống khuyến nông mạnh nhất Đông Nam Á với hơn 30.000 khuyến nông viên ở địa phương và mạnh nhất về đầu tư công cho hệ thống khuyến nông. Xác định Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao là cơ hội lớn để định vị lại ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh hoạch định thời gian tới, hệ thống khuyến nông cần tự nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, đồng thời đổi mới tư duy, phương pháp, nội dung hoạt động khuyến nông để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông chia sẻ: Theo định hướng của lãnh đạo Bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hình thành ý tưởng đề xuất dự án: "Tăng cường năng lực cho nông dân và khuyến nông cộng đồng thực hiện đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng là cơ hội và niềm vinh dự cho hệ thống khuyến nông Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò của mình đối với sư nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Cần rất nhiều nguồn lực đồng hành với Đề án nhưng quan trọng nhất vẫn là sự đồng hành của hệ thống khuyến nông với người nông dân, người sản xuất. Khuyến nông đã chuẩn bị, sẵn sàng nguồn lực và chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động để tham gia triển khai Đề án có hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra.

TH