Năm 1995, bán hết đất đai được mấy chục triệu, vợ chồng ông Tương khăn gói từ Nam Định vào thôn 3 xã Đăk Ha, huyện Đăk Glong, Đắc Nông (Đắc Lắc cũ) để lập nghiệp. Thấy mọi người trồng cà phê, hồ tiêu, vợ chồng ông cũng dồn hết vốn liếng và vay mượn của họ hàng mua được 2 ha đất để canh tác. Nhưng thật không may cho gia đình ông, ba bốn năm sau đó cà phê bị rớt giá. Thấy làm cà phê không đem lại thu nhập, ông xây dựng thêm chuồng trại nuôi lợn. Ban đầu ông chỉ nuôi 6 con lợn nái. Rồi những lúc thăng trầm của nghiệp nuôi lợn như dịch bệnh, giá thức ăn, giá lợn thịt bấp bênh cũng không buông tha, gia đình ông có lúc tưởng như “gẫy cánh”. Nhưng nhờ bản tính chăm chỉ và sự tự tin đã không làm ông chùn bước. Đến nay, ngoài trồng cà phê, gia đình ông đã có mức thu nhập khá ổn định từ đàn lợn nái. Với 6 con lợn nái sinh sản, 1 lứa được từ 60 - 70 con lợn thịt, một năm 2 lứa, mỗi năm ông xuất chuồng khoảng 10 tấn lợn hơi ra thị trường.

Chúng tôi ra trang trại để thăm khu chăn nuôi của gia đình ông, nhìn dãy chuồng lợn dài ngút tầm mắt, trông con nào con nấy hồng hào, béo tốt, chúng tôi không khỏi trầm trồ khen ngợi. Trang trại của ông Tương được xây dựng khoa học, với máng ăn và vòi uống tự động. Chuồng nuôi được chia thành các khu vực: khu nuôi lợn nái sinh sản, khu cho lợn đẻ nuôi con, khu nuôi lợn con mới tách sữa, khu vực nuôi lợn thương phẩm. Trang trại của ông lúc nào cũng có lợn nái sinh sản, cứ một tháng sau khi sinh, ông bắt đầu tách lợn con khỏi mẹ để cai sữa và cho ăn cám ăn thẳng. Trung bình một lợn nái đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa đẻ 12-14 con.

Theo ông Tương, trong chăn nuôi quan trọng nhất là phải tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ cho vật nuôi và làm tốt công tác thú y, đồng thời vệ sinh chuồng trại thường xuyên, giữ cho chuồng nuôi mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông.

Năm 2007, ông xem truyền hình thấy giới thiệu nghề nuôi lợn rừng, ông cũng bắt đầu mua giống lợn rừng về nuôi theo hình thức bán thâm canh. Ông tận dụng các phụ phẩm có sẵn như ngô, củ mì, rau các loại để làm thức ăn cho lợn. Hiện tại, đàn lợn rừng lai nhà ông lên đến sáu bảy chục con, mỗi năm ông xuất bán vài trăm kg lợn rừng lai thịt hơi.

Ngoài nguồn thu nhập chính từ chăn nuôi lợn, gia đình ông còn có nguồn thu nhập từ 4 ha cà phê thâm canh. Nhờ được học qua các buổi tập huấn, cũng như tham quan các mô hình hiệu quả trong vùng do địa phương tổ chức, ông đã nhanh trong áp dụng đúng kỹ thuật trên vườn cà phê nhà mình nên cà phê cho năng suất cao. Mỗi năm ông thu được 12 tấn nhân cà phê. Ông Tương cho biết, để trồng cà phê cho năng suất cao thì ngoài việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây, việc phòng trừ sâu bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Trong đó, hai loại bệnh quan trọng trên cây cà phê là bệnh gỉ sắt và rệp sáp hại quả. Theo kinh nghiệm của ông thì việc phát hiện và phòng bệnh là quan trọng và từ đó có cách trừ hiệu quả, không phun thuốc tràn lan.

Với ý chí không chịu khuất phục trước khó khăn, ông Tương đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương thứ 2 của mình, thành công của ông ngày hôm nay đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất kinh tế giỏi. Ông Tương xứng đáng là tấm gương cho mọi người học tập.

Pham Tấn Minh - TTKN Đăk Nông