Theo thói quen, từ khe nước trên đồi, phía sau vườn, đàn lợn nhanh chóng tập hợp, chúi mũi vào ăn. Chỉ vào đàn lợn háu đói, anh Thanh bảo: “Mọi hôm yên tĩnh có cả trăm con lợn cùng về một lúc chật cả sân. Thế nhưng cũng chẳng bao giờ chúng về đông đủ bởi vì trang trại đồi rừng rộng, những con đi ăn xa không nghe thấy tiếng mõ hoặc khi về đến nhà, những con lợn khác đã ăn no và bỏ đi vào rừng”. Với đàn lợn đông đúc của mình, anh tính có khoảng 100 con.

 

Anh Cà Văn Thanh luôn chú trọng trong việc phòng ngừa bệnh dịch

và kết hợp đầu tư nguồn thức ăn dồi dào cho lợn ngay tại vườn rừng.


Anh sinh ra trong một gia đình có đông anh em, nên cuộc sống gia đình rất khó khăn, anh xây dựng ước mơ ấp ủ từ bé sẽ làm cái gì đó để làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Năm 1997, anh lập gia đình khi ấy 23 tuổi sau đó anh đi bộ đội nghĩa vụ. Anh chia sẻ, kinh nghiệm có được, sự cần cù trong làm kinh tế có lẽ được hun đúc từ những năm tháng gian khổ trong quân ngũ. Là lính nghĩa vụ, xuất ngũ từ năm 1999 sau những năm tháng tham gia làm nhiệm vụ phục vụ tổ quốc anh trở về với 2 bàn tay trắng. Quyết tâm lập nghiệp của anh bắt đầu từ đó, khi cuộc sống là chuỗi ngày lam lũ, cực nhọc.


Là người con sinh ra từ bản, anh hiểu rõ hơn ai hết mảnh đất nơi đây thiếu gì và có những gì. Anh kể, ban đầu tài sản lớn nhất của gia đình là một con lợn nái Móng Cái và một con lợn rừng, anh bắt được từ rừng về, sau lứa đầu lợn đẻ được 9 con. Đến bây giờ anh đã có cả một bầy lợn đông đúc với khoảng 100 con, trong đó, đã có 4 con lợn nái chuyên đẻ, mỗi lứa đẻ được 9-12 con, một năm chúng đẻ 2 lứa.


Để chủ động nguồn thức ăn cho lợn, anh Thanh trồng 3,5 ha sắn. Anh cho biết, lúc sắn còn nhỏ rào lại, khi sắn đã có củ to, anh thiết kế mở lối cho lợn vào tự đào bới kiếm ăn. Với nguồn thu từ đàn lợn, dự kiến sang năm tới, anh Thanh sẽ đầu tư khoảng 100 triệu đồng để xây toàn bộ tường rào xung quanh để dễ quản lý. Sau nhiều năm chăn nuôi, anh Thanh đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt là việc phòng ngừa bệnh dịch và kết hợp đầu tư nguồn thức ăn dồi dào cho lợn ngay tại vườn rừng.


Sau nhiều năm vật lộn với khó khăn do thiếu vốn, kinh nghiệm, đến nay việc chăn nuôi của anh Thanh đang đi vào ổn định, bước đầu cho thấy tiềm năng thu nhập lớn. Do vậy, nhiều hộ nông dân trong và ngoài xã đã đến thăm quan học tập. Bất cứ ai đến thăm quan, học hỏi, anh đều chia sẻ cách làm của mình để bà con về học tập.


Thành quả đó là cả một quá trình lao động miệt mài không ngại gian khổ, chịu khó ham học hỏi. Để giờ đây, thành quả lao động của anh đã được đền đáp bằng chứng là anh đã làm được ngôi nhà sàn to đẹp nhất bản, sắm đủ các tiện nghi trong nhà như ti vi, tủ lạnh, các con của anh đã được học hành đây đủ, cháu lớn năm nay học lớp 10 trên Thành Phố, cháu nhỏ học lớp 1.


Anh Thanh cho biết: “Gia đình anh không chỉ cung cấp lợn thịt cho thị trường mà gia đình anh còn cung cấp cả lợn giống bố mẹ cho các hộ chăn nuôi theo hình thức thả rông”.


Ngoài ra anh đào ao thả cá, diện tích 1.500 m2, anh thả các loại cá rô, cá trắm, cá trôi, nhằm vừa tận dụng nguồn phân lợn và các sản phẩm nông nghiệp. Một năm anh thu hoạch 2 lần, mỗi lần anh thu gần tấn cá.


Anh tâm sự: “Làm chăn nuôi phải tâm huyết, và phải theo dõi quá trình phát triển hàng ngày để có hướng giải quyết xử lý". Hàng năm anh thu lãi khoảng 120 triệu đồng từ chăn nuôi lợn và nuôi cá. Anh là tấm gương sáng trong bản được bà con tin yêu học tập./.


Hoàng Khắc Tân
Trung tâm Khuyến nông Điện Biên