Cuối năm 2019, sau khi bỏ việc làm ở thành phố Đà Nẵng trở về lại quê hương lập nghiệp, chị Mai Thị Thu Sương thuê người cải tạo ao hồ trồng sen diện tích 2000m2 kém hiệu quả của gia đình chuyển sang nuôi ốc bươu đen. Ban đầu, chị mua ốc của người dân địa phương bắt ở khe, suối, ao hồ nước ngọt, ruộng đồng về thả nuôi nhưng ốc chậm lớn, năng suất thấp. Ngoài ra, vì không có kinh nghiệm trong chăn nuôi nên khi chuyển sang làm nông dân khiến chị gặp nhiều khó khăn về khâu kỹ thuật và chăm sóc con vật nuôi. Không nản chí, chị Sương quyết định đi vào các tỉnh phía Nam tìm hiểu thực tế tại các mô hình, trại nuôi ốc có hiệu quả cao để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi. Sau chuyến đi về chị đầu tư 200 triệu đồng xây dựng ao hồ, làm mái che và đặt mua 20 kg trứng ốc mang về tự ấp thủ công và tỷ lệ nở khá thành công.
Hiện nay, mô hình nuôi ốc bươu đen của chị được thiết kế thành các khu nuôi riêng biệt như: hồ nuôi giống, sinh sản, ấp trứng, nuôi ốc con giống, nuôi ốc thương phẩm…, có thiết kế làm mái che nắng, che mưa theo yêu cầu kỹ thuật, sử dụng hệ thống điều tiết nước tự động trong các hồ nuôi.
Chị Mai Thị Thu Sương cho biết, ốc bươu đen dễ nuôi, vốn đầu tư ban đầu thấp, nguồn thức ăn cho ốc phần lớn tận dụng thức ăn tự nhiên sẵn có tại vườn như rau, cỏ, bèo, lá sắn… Tuy nhiên để nuôi ốc thành công cho người mới bắt đầu thì cũng cần nắm rõ rất nhiều về kỹ thuật cũng như thức ăn cho ốc bươu đen. Thức ăn của ốc bươu đen là các thực vật thủy sinh như: cây bèo cám, bèo tây, rau muống, các loại rong, rêu bám ở nền đá hay các giá thể bám khác. Nhiều loại thực vật trên cạn cũng là thức ăn ưa thích của ốc như: lá sắn, rau muống, rau lang, rau ngót, bí đao, …. Ngoài ra, có thể cho ốc ăn thêm các loại thức ăn bổ sung như: bột cám gạo, bột đậu tương, bột ngô, bột cá...., có hàm lượng dinh dưỡng rất cao giúp ốc nhanh lớn hơn. Bên cạnh đó, thức ăn công nghiệp viên nổi cũng là nguồn thức ăn rất tốt cho ốc bươu đen.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc giống, chị Sương nói: Ốc bươu đen thường đẻ trứng vào ban đêm ở bờ ao hoặc trên thân bèo, sau khoảng 8-12 tiếng vỏ trứng khô lại thì mới thu gom bỏ vào khay nhựa đặt trên mặt nước trong thùng xốp, hằng ngày xịt nước giữ ẩm. Trứng ốc khi nở thành con mất thời gian từ 15-20 ngày, nuôi dưỡng ốc con thêm 14 ngày là có thể xuất bán giống". Nguồn nước ngọt phải sạch, không bị ảnh hưởng bởi thuốc BVTV, chất thải nông nghiệp, công nghiệp… Trước khi thả nuôi cần chuẩn bị kỹ ao, bể nuôi: nạo vét, vệ sinh sạch sẽ để loại bỏ các địch hại như cá chép, cá lóc, chất thải của vụ nuôi trước… rải vôi bột với liều lượng 7-10 kg/100 m2 để trung hòa pH (pH đảm bảo từ 7-8), phát quang bờ ao, dọn dẹp sạch cỏ rác để tránh chuột làm tổ quanh ao. Ngoài ra cần trồng thêm cây bông súng, sen, rau muống, các loại rong hoặc thả bèo để vừa làm chổ ẩn nấp vừa cung cấp thức ăn tự nhiên cho ốc. Mật độ thả trung bình từ 80-100 con/m2, tùy vào điều kiện thực tế có thể tăng mật độ lên 200 - 300 con/m2. Nắm được đặc tính ốc bươu đen ít bị bệnh, sinh sản nhanh và đầu ra rất ổn định “cung không đủ cầu” nên mỗi tháng chị Sương lại xuống giống 1 lứa ốc mới để tái đàn và có đủ số lượng cung ứng cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, chị dự định sẽ tiếp tục quay vòng đầu tư mở rộng thêm ao nuôi ốc, giúp tăng thu nhập hơn nữa.
|
|
Mô hình nuôi ốc bươu đen của chị Mai Thị Thu Sương cho thu nhập ổn định |
Chị Sương cho biết thêm, sau 4 năm triển khai thực hiện mô hình nuôi ốc bươu đen, hiện nay chị đang sở hữu trại nuôi với qui mô trên 4.000m2, chuyên cung cấp giống ốc bươu đen cho thị trường. Thị trường ốc giống bán tại trại giá 300 đồng/con, ốc thịt từ 80.000 - 90.000 đồng/kg. Mỗi tháng xuất bán từ 40.000-50.000 con ốc giống và khoảng 100 - 120 kg ốc thương phẩm. Từ tháng 6 năm 2023 đến nay, tôi phát triển thương hiệu ốc bươu đen Huy Hoàng thông qua việc chế biến các sản phẩm từ ốc như: ốc nhồi ống nứa, nem lụi ốc, ốc gác bếp.... cung cấp cho các nhà hàng, tiệc cưới, quán ăn… Thị trường tiêu thụ ốc giống và sản phẩm làm từ ốc chủ yếu ở tỉnh Quảng Nam, Đắk Lắk, TP. Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, nếu tính thu nhập cho cả năm chị Sương cũng thu lãi gần 800 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Vui - Chủ tịch Hội nông dân xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên nói: Mô hình nuôi ốc bươu đen của chị Sương là một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. Với đức tính cần cù, ham học hỏi biết áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm mạnh dạn đầu tư để phát triển kinh tế gia đình, chị luôn luôn nhiệt tình và hăng say chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ốc bươu đen, cung cấp con giống cho các hộ gia đình có nhu cầu nuôi, để cùng nhau áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế, ổn định thu nhập cho mỗi gia đình và nhận bao tiêu ốc thương phẩm cho người nuôi./.
Phan Đăng Danh
Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam