Trong những năm trở lại đây được sự quan tâm của chính quyền địa phương nên người dân đã yên tâm phát triển kinh tế cho gia đình. Không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm cùng với đức tính cần cù, ham học hỏi biết áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nên nhiều hộ dân đã thoát nghèo và ổn định cuộc sống, điển hình như gia đình anh Lý Kiềm Phin người dân tộc Dao, ở thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, anh Lý Kiềm Phin kể, anh sinh ra và lớn lên trên quê hương Cao Bằng, cũng như bao chàng trai khác, anh cần cù, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó làm ăn để đổi lấy cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhưng với đất đai cằn cỗi, canh tác cây trồng khó khăn, diện tích đất thì nhiều nhưng toàn đồi núi đá, muốn trồng cây gì, nuôi con gì cũng vất vả, năng suất thấp, thu nhập không cao. Trăn trở, băn khoăn không biết làm sao để thoát nghèo, cái đói cứ bám theo làng bản anh từ đời này sang đời khác. Một lần, anh được người thân cho biết, đất đai trong Tây Nguyên rộng lớn, màu mỡ, nên anh đã có ý định tìm hiểu xem thực hư thế nào. Vào năm 2007, anh vào Tây Nguyên để tìm hiểu có đúng như người ta nói không. Lúc đầu anh vào nhà người thân ở nhờ và làm thuê một thời gian, anh thấy đất đai ở đây màu mỡ, anh bàn với vợ vay mượn tiền để mua đất làm rẫy. Lúc đầu số tiền anh vay chỉ mua được 1ha đất trắng để trồng cà phê. Trong thời gian cà phê chưa giao tán, anh trồng một số cây ngắn ngày như đậu, lạc và cây ngô…, từ đó mà gia đình có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nhờ canh tác đúng quy trình, cà phê của gia đình luôn cho năng suất hơn 3 tấn nhân/ha. Năm 2014, số tiền tiết kiệm được và vay mượn thêm để mua tiếp 1,5 ha. Đến nay, với 2,5 ha cà phê, năm nào anh cũng thu được gần 8 tấn cà phê nhân.

leftcenterrightdel

Vườn hồ tiêu xen cà phê xanh tốt cho thu nhập ổn định của anh Phin

Anh Phin chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vườn cà phê và hồ tiêu của mình, mỗi năm anh bón 10 tấn phân chuồng ủ hoai. Chính nhờ lượng phân chuồng bón hàng năm mà cây cà phê, hồ tiêu nhà anh dù trên đất sỏi đá vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Phân hóa học anh chia ra làm nhiều lần để bón, mỗi năm anh bón 5 lần, trước mỗi lần bón, cỏ được làm sạch sẽ và rạnh rãnh để bón. Anh cho biết, với cách bón này hơi tốn công nhưng bù lại lượng phân sử dụng cho cây trồng là tối ưu nhất, hiệu quả hơn. Hơn 300 trụ tiêu được anh chăm sóc rất cẩn thận, đất luôn tới xốp. Một năm anh chỉ bón 1 kg phân NPK/ trụ (chia làm 3 lần bón), 5 - 10kg phân chuồng ủ hoai. Đối với sâu bệnh hại anh rất ít khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ. Nhờ vườn gần nhà nên anh thường xuyên theo dõi, kiểm tra vườn cây nên khi phát hiện sâu bệnh là cắt bỏ ngay những cành bị sâu bệnh nên hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạch đó anh cũng tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc hồ tiêu và cà phê, việc cắt tỉa cành, tạo tán cho 2 loại cây trồng này cực kỳ quan trọng, nếu tỉa cảnh, tạo tán thông thoáng và hợp lý thì sâu bệnh sẽ phát triển và gây hại nhiều.

 

Những năm gần đây phong trào trồng dâu nuôi tằm ở xã Quảng Phú phát triển mạnh, anh cũng tận dụng đất trống xung quanh bờ ao, đất sình để trồng dâu nuôi tằm với diện tích gần 1 sào dâu. Mỗi tháng anh nuôi được 1/2 hộp tằm cho sản lượng khoảng 25 kg kén. Phân tằm anh dùng nấm Trichoderma để ủ hoai rồi bón cho cà phê và hồ tiêu.

Anh Phin được người dân trong thôn gọi là “lão nông chi điền” chịu khó học hỏi, chăm chỉ làm ăn, kiên trì vượt khó trong việc làm kinh tế, từ việc trồng trọt và nuôi tằm, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 300 triệu đồng. Đây là một trong những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế đáng để người dân đặc biệt là bà con vùng sâu, vùng xã, vùng dân tộc thiểu số học tập và làm theo.

Trịnh Đình Thâng

TT Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông