Nấm bào ngư là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khá cao, dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh. Từ những đặc tính trên, bà Góp trồng thử nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Bà Góp chia sẻ, theo truyền thống làm nghề nông của gia đình, bà đã thực hiện nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt và đề đem lại hiệu quả kinh tế khả quan. Nay, tuổi đã cao nhưng với niềm đam mê làm nông vốn có, bà chọn trồng nấm bào ngư để sản xuất, vừa phù hợp sức khỏe, vừa có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Tận dụng diện tích vườn nhà (trước đây sử dụng chăn nuôi), bà Góp sửa chữa làm nhà trồng nấm. Ban đầu, bà trồng một ít để thử nghiệm, xem hiệu quả mang lại thế nào. Sau một thời gian, nhận thấy năng suất thu hoạch nấm cao, được nhiều khách hàng ưa chuộng, bà chuyển hẳn sang trồng nấm. Qua 5 năm sản xuất và tích lũy kinh nghiệm, hiện tại bà Góp đã có 2 trại nấm, diện tích khoảng 120m2, với 10.000 phôi nấm, cho thu hoạch nấm hàng ngày.

Bà Góp chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm bào ngư

 

Theo bà Góp, nấm bào ngư rất dễ chăm sóc, thu hoạch nhiều đợt, chi phí đầu tư ban đầu không cao. Tuy nhiên, người trồng nấm phải nắm chắc kiến thức, kỹ thuật thì nấm mới đạt năng suất. Thời gian đầu trồng nấm do kỹ thuật chưa vững, năng suất đạt được chưa cao, bà quyết tâm nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, như: mạng xã hội, sách báo, người đi trước, kể cả trực tiếp đi tham quan các mô hình trồng nấm bào ngư hiệu quả của người dân địa phương lân cận. Đến nay, dù đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, năng suất nấm thu hoạch đạt yêu cầu nhưng bà vẫn không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ thuật nhằm gia tăng năng suất và chất lượng nấm.

Dẫn chúng tôi tham quan nhà nấm, bà Góp chia sẻ kinh nghiệm: “Nhà trồng nấm phải thông thoáng, ánh sáng phù hợp và giữ độ ẩm tốt. Trụ treo bịch phải đủ vững để chịu sức nặng của các bịch phôi. Nền nhà giữ ẩm nhưng cần rắc vôi để tẩy trùng. Nóc nhà lợp lá tạo độ mát cần thiết cho cây nấm. Mật độ phôi nấm trên diện tích nhà trồng phù hợp, đảm bảo độ thông thoáng, nhằm đạt năng suất cao nhất. Một trong những yếu tố quan trọng đối với nấm đó là độ ẩm, do vậy lúc nào môi trường trồng nấm phải đạt ở mức 80% độ ẩm. Nấm bào ngư từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 85 ngày. Mô hình trồng nấm bào ngư thân thiện với môi trường, vì rác thải ra sẽ tự phân hủy. Sau khi thu hoạch có thể tận dụng mùn phôi thải để trồng nấm rơm”.

Cụ thể, phôi nấm sau khi đem về để lên meo khoảng 2 tháng, mở bông gòn ra rồi đậy nắp lại khoảng 10 ngày, sau đó mở nắp ra. Người trồng cần tưới nước để nấm dễ mọc (tưới từ 1-2 lần/ ngày). Khi thấy xung quanh nút chai có sợi tơ thì tháo nút, khoảng 6 ngày sau, nấm bắt đầu mọc ra, tùy theo kích cỡ mà tiến hành thu hoạch. Thu hoạch nấm xong thì vệ sinh nút phôi cho sạch sẽ, rồi đậy nắp phôi lại, tiếp tục tưới nước, theo dõi phôi nấm. Khoảng 15 ngày sau, bắt đầu thu hoạch lứa tiếp theo. Nấm được thu hoạch vào buổi tối và sáng sớm, nhằm đảm bảo độ tươi ngon, bán được giá cao. Hiện, bà Góp đang ứng dụng hệ thống tưới phun sương tự động để đảm bảo lượng nước tưới, cũng như thời gian thích hợp.

Mô hình trồng nấm bào ngư là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân

 

Nấm bào ngư không khó trồng nhưng dễ bị nhiễm bệnh mốc xanh, nấm hồng và côn trùng tấn công. Do đó, sau mỗi lần thu hoạch nấm, bà đều rải vôi diệt khuẩn, rửa và phơi nền. Thời gian thu hoạch nấm bào ngư kéo dài 4 tháng, với 8 -10 lần thu hoạch. Hiện nay, tại chợ nông thôn và khu vực đô thị trung tâm, nấm bào ngư có giá bán lẻ từ 55.000-60.000 đồng/kg. Thương lái thu mua tại nhà giá hơn 40.000-50.000 đồng/kg. Để đảm bảo đủ số lượng nấm cung cấp ra thị trường, bà Góp cho nấm thu hoạch xen kẽ theo từng ngày, mỗi ngày khoảng 30kg. Mỗi lần thu hoạch nấm, bà Góp thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Lê Văn Dũng cho biết: “Trồng nấm bào ngư trong nhà là mô hình mới, được nông dân vùng biên áp dụng, nhằm phát triển kinh tế gia đình. Thời gian qua, bà Góp chịu khó học hỏi, tìm hiểu, nghiên cứu cách trồng, đồng thời ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sử dụng hệ thống phun sương tự động, nên mô hình mang lại hiệu quả khá cao. Địa phương thường xuyên cử cán bộ khuyến nông xuống trại nấm, hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết, giúp bà Góp giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình trồng nấm. Thời gian tới, địa phương tiếp tục hỗ trợ nông dân về nguồn vốn, kỹ thuật để phát triển mô hình làm ăn hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích mọi người chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống”.

Có thể thấy, mô hình trồng nấm bào ngư là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân, giải quyết được nhu cầu việc làm đối với lao động không có đất sản xuất, nhờ tận dụng khoảng trống quanh nhà. Hiện, bà Góp mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình trồng nấm, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Lê Kiều

Đài Truyền thanh thị xã Tân Châu, An Giang