Phú Thọ: Nghề trồng măng của người dân Ấm Hạ
Cập nhật lúc 08:00, Thứ sáu, 05/07/2013 (GMT+7)
Tận dụng những khu đất bỏ trống trong vườn nhà, những khoảnh đất ven ruộng hay quy hoạch thành khu trồng măng riêng tại vườn đồi, từ năm 2000, người dân Ấm Hạ (Hạ Hòa- Phú Thọ) đã tích cực đưa giống măng Mạnh Tông trồng tại gia đình mình; đến nay giống măng này đã dần thích nghi với điều kiện đất đai và khí hậu nơi đây, cây sinh trưởng tốt và mang lại cho người trồng măng nguồn thu nhập khá.
Theo bà Đặng Thị Sang - Chủ tịch Hội nông dân xã Ấm Hạ, trước đây ở Ấm Hạ chỉ có giống măng truyền thống như măng mai, tre, măng vầu năng xuất thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Nhưng từ khi đưa giống Mạnh Tông vào trồng ở các hộ gia đình thì nguồn thu nhập từ măng của người nông dân tăng lên đáng kể.

Từ khi đưa giống Mạnh Tông vào trồng, các hộ gia đình ở Ấm Hạ (Hạ Hòa, Phú Thọ) có nguồn thu nhập ổn định
Ban đầu cả xã đưa vào trồng hơn 8000 gốc măng và cả 8000 gốc đều sinh trưởng tốt, đến nay đã mọc thành bụi to và cho thu hoạch măng từ nhiều năm nay.
Theo đa số người dân, măng Mạnh Tông khi trồng và chăm sóc rất đơn giản: Hố đào để trồng măng sâu khoảng 40cm, cây cách cây 5m, đặt bầu gốc hơi nghiêng, hướng về phía mặt trời, cành trồi lên từ đất khoảng 1m. Người dân thường trồng măng Mạnh Tông vào khoảng tháng Giêng, khi đó tiết trời ẩm ướt. Vào khoảng tháng 5 đến tháng 7 Dương lịch hàng năm là măng cho thu hoạch. Khi thu hoạch măng xong, người dân dùng kỹ thuật chiết bầu để tách những cành măng nhỏ để nhân giống. Khi măng trồng đã bén rễ, không cần thuốc bảo vệ thực vật hay phân hữu cơ, người dân chỉ cần dùng rơm rạ để hoai mục hay rác từ lá cây ủ vào gốc măng để tạo độ ẩm cho măng.
Đến nay, cả xã Ấm Hạ hầu như hộ dân nào cũng đưa măng Mạnh Tông vào trồng. Có hộ trồng để lấy măng ăn, có hộ quy hoạch thành đồi măng để làm kinh tế. Cả xã, tính trung bình có khoảng 10.000 gốc măng Mạnh Tông đã cho thu hoạch từ nhiều năm nay.
|
|
Măng Mạnh Tông có đặc điểm: cây nhỏ, không có gai và mọc gọn, không um tùm, ngọn măng to, màu đen, có ngọn nặng tới 5-6 kg. Điều thuận lợi cho bà con nông dân là loại măng này phù hợp với mọi địa hình từ đồi núi thấp, cao cho đến vườn nhà, ưa ẩm và không cần phân bón mà chỉ cần rơm rạ, rác ủ tại gốc là măng có thể sinh trưởng và phát triển tốt.
|
Với đặc điểm của loại măng này là sử dụng làm thực phẩm tươi nên vào mùa thu hoạch, người dân có thể bán măng ngay tại bãi để đảm bảo độ tươi ngon của măng. Trọng lượng của măng Mạnh Tông tùy thuộc vào độ ẩm của gốc măng và khu đất trồng, ngọn nhỏ có trọng lượng trung bình từ 2-3,5 kg, ngọn to từ 5-6kg. Măng Mạnh Tông ăn ngọt, mềm và thơm nên được người tiêu dùng ưa thích. Vào mùa thu hoạch, đầu mùa người dân bán từ 5-7 ngàn đồng/kg, vào giữa vụ bán từ 3-3,5 ngàn đồng/kg; với giá măng như vậy, qua mỗi vụ thu hoạch măng tươi, người dân có thu nhập cao - lên tới vài chục triệu đồng.
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tình ở khu 8, đã quy hoạch trồng măng Mạnh Tông với diện tích lớn. Với khu đồi hơn 1ha, gia đình ông đã đầu tư trồng toàn bộ măng Mạnh Tông và các gốc măng đã cho măng lấy ngọn hơn 5 năm nay. Ban đầu gia đình ông Tình trồng 500 gốc, đến nay đã nhân rộng ra lên tới 2000 gốc. Vào mỗi vụ thu hoạch, diện tích măng của gia đình ông cho thu hoạch từ 4-5 tấn măng tươi, mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình ông.
Xác định giống măng Mạnh Tông là loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng ở đây nên trong những năm qua, xã Ấm Hạ đã tích cực khuyến khích người nông dân nhân giống để tạo diện tích măng lớn ngay tại gia đình mình. Vừa tạo nguồn thực phẩm ngon sạch tại chỗ, vừa bán ra thị trường để tăng thêm thu nhập từ kinh tế vườn đồi.
Nguyễn Thế Lượng
ĐT 0972132685