Nếu như trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Vân Canh sống du canh, du cư, chỉ làm một mùa nương rẫy rồi lại di dời sang vùng đất mới nên hiệu quả sản xuất rất thấp. Kể từ năm 2009, xác định việc sản xuất xen canh cây trồng theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài” sẽ giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, từng bước xóa bỏ tập quán canh tác du canh lạc hậu, thô sơ, Ủy ban nhân dân huyện Vân Canh phối hợp với các xã có đồng bào dân tộc thiểu số như: Canh Liên, Canh Hiệp, Canh Thuận và Canh Hòa… tuyên truyền vận động bà con không bỏ nương, rẫy để di dời sang vùng đất mới như trước đây. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn “đứng chân địa bàn” hướng dẫn bà con thực hiện mô hình xen canh cây trồng theo phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con”. Theo đó, mỗi xã chọn ra một hộ đồng bào khó khăn có nương rẫy đang sản xuất kém hiệu quả để đưa vào thực hiện. Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí thực hiện mô hình; sử dụng các cây chủ lực ở địa phương như: lúa nương, chuối, thơm (dứa), đu đủ, mì gòn (sắn), ớt, sả…

Đầu tháng 6 Dương lịch, các khâu phát dọn, làm đất, rắc vôi, đào hố, bón phân lót… làm đúng theo quy trình kỹ thuật, lên lịch xuống giống, thu hoạch một cách khoa học hợp lí mùa nào cây đó. Đến tháng 9 Dương lịch trỉa (gieo) lúa, trồng thơm, đu đủ, ớt, sả. Tháng 11 thì trồng chuối và thu hoạch lúa, ớt, rồi sả, rồi thơm cứ thế thu hoạch xoay vòng. Để bà con thấy được mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình được tuyên truyền trên đài phát thanh địa phương, thông báo rộng rãi cho bà con đến xem và học tập kinh nghiệm; bà con được cán bộ hướng dẫn để tự nhận xét, tự đánh giá mô hình và từ đó so sánh với tập quán sản xuất nương rẫy trước khi thực hiện mô hình rồi rút ra bài học kinh nghiệm.

Mô hình trồng mì xen lạc tại xã Canh Thuận (Vân Canh) 

Ông Sâu Zuôn Nam, xã Canh Thuận (Vân Canh), người được chọn tham gia mô hình, nhận xét: “Mô hình nương rẫy trồng xen canh nhiều loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nương rẫy trồng một loại cây trồng như trước đây. 01 ha lúa rẫy mô hình đạt từ 20-30 bao lúa (trước đây chỉ có 5-10 bao lúa); tới mùa thu hoạch đu đủ, bình quân khoảng 20-30 gùi/ngày, hiệu quả gấp 2-3 lần. Lúa rẫy bán với giá 200-300 ngàn đồng/bao; vào những ngày lễ, ngày tết giá từ 15-20 ngàn đồng/trái đu đủ, chuối từ 400-500 ngàn đồng/buồng; còn cây sả, ớt, thơm cho thu nhập từ 100-150 ngàn đồng/ngày, ngày nào tôi cũng thu hoạch mỗi thứ một ít để đem ra chợ bán”.

Còn anh Đinh Văn Mỹ, xã vùng cao Canh Liên vui vẻ cho biết: “Tám sào rẫy nhà tôi sản xuất theo mô hình lúa nương xen canh với cây mì gòn đã thật sự phát huy hiệu quả. Hiện nay bếp nhà tôi ngày nào cũng đỏ lửa, không còn lo sợ không có gạo để nấu nữa. Củ mì thì để nuôi bò, lợn, nấu rượu ghè (rượu cần) bán; thu nhập từ tiền bán bò, bán lợn, bán rượu ghè từ 30-50 triệu đồng/năm; cộng với các khoản thu nhập khác tôi đã sửa chữa lại nhà ở và mua sắm được máy cày công nông, máy cắt chồi”.

Ông Trần Văn Khổ, Phó phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Vân Canh cho biết: “Từ năm 2009 đến nay, đã có hàng trăm gia đình đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất theo mô hình xen canh nhiều loại cây trồng trên nương rẫy và đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, bà con đã yên tâm sản xuất tại chỗ, không đi du canh nữa. Mô hình xen canh nhiều loại cây trồng trên nương rẫy không cần phải đầu tư vốn lớn, chỉ cần 2-5 triệu đồng là bà con có thể thực hiện được. Các loại cây trồng bổ trợ chất dinh dưỡng cho nhau sau khi thu hoạch như thân và rễ của cây lúa, sả, ớt… mục và tạo thành chất dinh dưỡng ngấm xuống đất tiếp tục cung cấp cho cây chuối và cây đu đủ. Để duy trì chất dinh dưỡng và tạo độ phì cho đất, bà con chỉ cần bón lót thêm phân như: kali, NPK, vôi… Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với 7 xã, thị trấn để tuyên truyền, vận động bà con tham gia thực hiện nhân rộng mô hình này, đồng thời đưa các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất”.

Rõ ràng, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Vân Canh đã thật sự thay đổi cách nghĩ, cách làm và cũng đã năng động tiếp nhận và áp dụng những cách làm mới để tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo./.

                                                                              Đinh Văn Toại

Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định