Tham gia mô hình, 10 hộ nông dân khu phố Hòa Trung I, phường Hoài Xuân được hỗ trợ 50% kinh phí vôi, phân hữu cơ vi sinh, thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học, hướng dẫn kỹ thuật kỹ thuật thâm canh cây dừa đạt tiêu chuẩn hữu cơ và các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM.

 

Kỹ sư Võ Nguyễn Bích Thủy, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông cho biết: thực trạng hiện nay, đa số các hộ dân trồng dừa chưa chú trọng đầu tư, chăm sóc vườn dừa, chỉ phó mặc cho tự nhiên. Vì vậy, năng suất và hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại phân vô cơ và hóa học để phòng trừ sâu bệnh hại đã làm mất cân bằng hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thâm canh cây dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ tuân thủ các nguyên tắc của TCVN 11041 – 1:2017 về nông nghiệp hữu cơ với kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tưới nước, quản lý sâu bệnh hại sẽ giúp cho bà con nông dân nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng.

 

Cây dừa trong mô hình được đầu tư chăm sóc, dọn vệ sinh gốc, ngọn dừa, thu gom tiêu hủy tàu lá bị bệnh, hỗ trợ dinh dưỡng, bón phân hợp lý, tưới nước giữ ẩm... đã tạo sức đề kháng, các đối tượng bọ dừa, sâu nái, bệnh đốm lá gây hại dừa trong mô hình có tỷ lệ thấp hơn dừa ngoài mô hình, hiện tượng nứt trái, rụng trái non giảm đáng kể. Đối với kiến vương, nhờ chăm sóc và thăm vườn thường xuyên nên khi phát hiện sớm và tổ chức phòng trừ bằng các biện pháp thủ công kết hợp dùng các loại thuốc sinh học nên không gây thiệt hại đến vườn dừa. Sau 9 tháng triển khai, cây dừa cho năng suất đạt 84 quả/cây/năm, cao hơn 29 quả/cây/năm so với dừa ngoài mô hình, lợi nhuận mang lại 503 triệu đồng/1.000 cây, cao hơn dừa ngoài mô hình 108 triệu đồng/1.000 cây.

 

Ông Trần Xuân Dũng, khu phố Hòa Trung I, phường Hoài Xuân, cho hay: Đối với cây dừa xiêm, nếu không chú trọng công tác chăm sóc sẽ dễ xảy ra sâu bệnh hại, gây rụng trái non. Vì vậy, nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, bón phân hữu cơ vi sinh, thuốc phòng trừ sâu bênh hại sinh học, tưới nước đều đặn nên cây dừa phát triển rất tốt, tàu lá có màu xanh, bộ rễ phát triển nhiều rễ mới, ra hoa nhiều, tỷ lệ đậu quả cao. Nếu so với trước đây thì năng suất quả và hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn hẳn.

leftcenterrightdel
 Ông Dũng bón phân cho cây dừa xiêm trong vườn

Bà Phan Thị Hồng Linh, Phó Chủ tịch UBND phường Hoài Xuân chia sẻ: cây dừa xiêm được các hộ dân trồng cho chất lượng nước ngọt, thanh mát, điều đó chứng tỏ cây dừa xiêm rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Tuy nhiên, trước đây người dân không chú trọng chăm sóc, bón phân, tưới nước đã làm cho đất ngày càng bạc màu, tỷ lệ đậu quả không cao, hiệu quả kinh tế thấp. Kết quả mô hình cho thấy việc áp dụng kỹ thuật thâm canh theo tiêu chuẩn hữu cơ vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân vừa góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường, giúp cây dừa xiêm tăng sức đề kháng, tăng tuổi thọ. Vì vậy, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các hội đoàn thể thông tin tuyên truyền đến người dân áp dụng để phát triển cây dừa xiêm đạt năng suất, hiệu quả kinh tế, tạo được thương hiệu dừa xiêm hữu cơ trên địa bàn phường.

 

Sản xuất nông nghiệp hiện nay không chỉ dừng ở việc tập trung nâng cao năng suất, chất lượng mà còn phải hướng đến bảo vệ môi trường, sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, bảo đảm an toàn thực phẩm cung ứng cho thị trường. Do đó, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong thâm canh dừa theo hướng hữu cơ từng bước làm hồi sinh, phát triển cây dừa đạt năng suất, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đây là động lực để người dân từng bước thay đổi tập quán canh tác, tư duy phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Thành Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Bình Định