Trong đó, tại Nghệ An: 4,5 ha cỏ voi lai và 20 tấn ủ chua và tại Hòa Bình: 4,5 ha cỏ voi lai và 20 tấn ủ chua. 40 hộ dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống cỏ voi lai (voi xanh) và vật tư phân bón dùng cho trồng cỏ; hỗ trợ vật tư, cám, muối dùng cho ủ chua.

Trong quá trình thực hiện, đơn vị chủ trì cùng cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn chủ hộ quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc thu hoạch cỏ voi lai, quy trình kỹ thuật chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh bằng phương pháp ủ chua là thức ăn cho gia súc ăn cỏ, hướng dẫn cho người chăn nuôi phương pháp sử dụng cỏ xanh và thức ăn ủ chua dùng cho gia súc ăn cỏ trong từng giai đoạn phát triển của chúng.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật ủ chua cỏ

 

Giống cỏ voi xanh là giống cỏ mới cho năng suất, chất lượng cao hơn so với các giống cỏ voi hiện có tại địa phương. Giống cỏ được Trung tâm cung cấp, quy trình ủ chua cỏ là quy trình mới đã được Trung tâm thực hiện triển khai thành công ở nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, mục đích lâu dài của dự án vẫn khuyến khích các hộ tận dụng đất đồi, đất nông nghiệp kém hiệu quả để trồng cỏ thâm canh, nguyên liệu địa phương, các loại phụ phẩm nông nghiệp qua chế biến, ủ chua, góp phần chủ động nguồn thức ăn trong năm và hạ giá thành sản phẩm trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ nên cán bộ dự án đã hướng dẫn các hộ các phương pháp trồng, chăm sóc, thu hoạch cỏ cũng như công thức ủ chua để áp dụng với các loại nguyên liệu sẵn có phù hợp với từng địa phương.

Theo kết quả tổng kết, sau 7 tháng triển khai, mô hình đã hoàn thành mục tiêu và thực hiện chuyển giao được 02 điểm trình diễn, quy mô 9 ha cỏ voi lai. Mô hình thu được 393 tấn thức ăn xanh sau 2 tháng trồng cỏ (năng suất cỏ đạt trên 300 tấn/ha/năm) và đưa vào ủ chua 45 tấn cỏ để dự trữ thức ăn cho đại gia súc. Hiệu quả kinh tế của mô hình tăng bình quân 24% so với trồng các giống cỏ khác.

Kiểm tra mô hình tại Hòa Bình

 

Kiểm tra mô hình tại Nghệ An

 

Các hoạt động của dự án bước đầu làm thay đổi nhận thức của người dân địa phương trong việc trồng cỏ thâm canh và chế biến thức ăn thô xanh để chủ động nguồn thức ăn quanh năm cho gia súc ăn cỏ, giải quyết được vấn đề thiếu thức ăn thô xanh trong mùa đông giảm thiểu gia súc bị chết đói trong mùa đông. Dự án đã tổ chức được 4 lớp tập huấn nhân rộng mô hình với 60 học viên tham gia. Tổ chức 02 cuộc hội thảo lan rộng dự án với 40 đại biểu là nông dân cùng các cấp chính quyền địa phương nơi triển khai dự án.

Mô hình sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung triển khai được đánh giá là khá phù hợp với xu hướng phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ đó là tạo nguồn thức ăn chủ động, bền vững, đáp ứng tối đa nhu cầu dinh dưỡng của gia súc ăn cỏ và nhu cầu của người nông dân về hoạt động chăn nuôi gia súc ăn cỏ theo hướng thâm canh, bền vững./.

Hội nghị tổng kết mô hình

Phùng Quang Trường

Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì