Để xác định những giống cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai cũng như tập quán của bà con địa phương, vụ Xuân 2018, UBND xã Đoàn Kết, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam xây dựng mô hình giống ngô lai đơn thế hệ mới CP 512 và CP311.

Vừa qua, đơn vị tổ chức đã tiến hành hội thảo đầu bờ tổng kết kết quả thực hiện mô hình nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển, tiềm năng năng suất, khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu của vùng, từ đó giúp người dân có thêm sự lựa chọn bộ giống vào sản suất đại trà. Hơn 100 hộ nông dân đại diện các thôn xóm ở xã Đoàn Kết đã đến tham dự hội thảo.

Hội nghị đầu bờ giống ngô lai mới CP512 và CP311 tại xóm Lăm, xã Đoàn Kết

Mô hình thực hiện với quy mô 0,5 ha trên đất đồi thấp. Qua thăm quan điểm trình diễn tại hiện trường cho thấy, sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện, giống ngô lai CP512 và CP311 có thời gian sinh trưởng trung bình 115 ngày, tỷ lệ nảy mầm cao, đạt trên 95%. Cả hai giống ngô đều có khả năng thích ứng tốt, hạn chế sâu bệnh; bộ rễ chân kiềng khỏe giúp chịu hạn và chống đổ tốt; bản lá rộng, xanh lâu giúp quang hợp, tạo năng suất sinh vật học cao. Riêng giống ngô CP512 có chiều cao đóng bắp thấp, 70- 90 cm, đây là đặc điểm giúp cây chống đổ tốt. Nhìn chung 2 giống trên bắp to, lõi sâu cay, chiều dài bắp từ 22 - 24cm, đường kính bắp 4,8 - 5,5cm,  hạt đóng múp đầu; đặc biệt giống CP311 số hàng hạt/bắp bình quân đạt 16- 18 hàng, có bắp đạt 20 hàng hạt. Năng suất thực tế thu hoạch ngoài đồng ruộng đạt 12,2 tấn/ha trên đất đồi thấp, ước đạt 14 tấn/ha với đất bãi.

Thông qua mô hình đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và thâm canh cây ngô lai đến người dân, đặc biệt là việc sử dụng các giống mới nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Sự thành công của mô hình là cơ sở để người dân mạnh dạn lựa chọn các giống ngô mới thay thế các giống cũ trong các vụ tiếp theo, góp phần chuyển dịch cơ cấu giống ngô.

                   Trịnh Thanh Hòa

Trạm Khuyến nông Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình