2. Sinh sản nhân tạo
2.1. Xác định thời điểm sinh sản nhân tạo
Thời điểm sinh sản: cao nhất từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm.
Giai đoạn thành thục tuyến sinh dục: tuyến sinh dục phát triển giai đoạn IV.
2.2. Kỹ thuật tuyển chọn cá bố mẹ cho đẻ
+ Cá cái: Lựa chọn các cá thể có bụng to, mềm, lỗ sinh dục mở to, màu hồng nhạt. Dùng que thăm trứng lấy mẫu kiểm tra, các hạt trứng rời nhau, tròn đều, không bị dập nát. Soi trứng trên kính soi phôi thấy noãn hoàng chiếm gần trọn quả trứng, hình dạng các quả trứng giống nhau (cùng 1 pha).
+ Cá đực: Chọn những cá thể có cơ quan sinh dục phụ căng phồng, màu hồng nhạt. Tuyến sinh dục của cá chiên hình răng lược nên phải mổ để kiểm tra. Tiến hành mổ cá đực, dùng kéo nhọn rạch một đường giữa bụng tương đương với vị trí gốc vây ngực kéo dài tới sát lỗ sinh dục phụ, sau đó dùng kéo tách ruột và mỡ cho tới khi nhìn thấy tuyến sẹ nằm dưới thận, dùng kéo tách tuyến sẹ ra. Soi tuyến sinh dục trên kính hiển vi thấy tinh trùng có hình dạng hoàn thiện là có thể tham gia sinh sản.
2.3. Tiêm kích dục tố kích thích sinh sản
+ Liều tiêm: cá cái: 35 μg LRHa + 9 mg DOM/kg; cá đực: 9μg LRHa +3 mg DOM/kg
+ Cách tiêm: Cá cái tiêm hai liều, liều khởi động và liều quyết định cách nhau 6 – 8 giờ. Liều khởi động bằng 1/4 tổng liều; cá đực tiêm 1 lần cùng với tiêm lần 2 của cá cái
+ Vị trí tiêm: Gốc vây ngực.
+ Nhiệt độ nước từ 24 – 26 độ C, cá đẻ sau 4 – 6 giờ tiêm liều quyết định.
2.4. Thu trứng, sẹ
Quá trình vuốt trứng cá cái và mổ cá đực phải được tiến hành cùng thời điểm, khi kiểm tra cá cái đã rụng trứng thì tiến hành bắt cá đực để giải phẫu.
+ Sau khi tiêm kích dục tố lần 2, cứ 1 giờ kiểm tra cá cái một lần. Dùng tay vuốt nhẹ phần bụng dưới của cá cái thấy trứng chảy ra tiến hành thu trứng.
+ Thu trứng: Bắt cá nhẹ nhàng, bịt tay lỗ sinh dục, đưa cá vào khăn sạch, thấm khô nước, để cá nằm hơi sấp xuôi xuống hướng lỗ sinh dục vào thau, bát khô sạch để hứng trứng. Vuốt nhẹ bụng cá từ trên xuống hậu môn để thu trứng, lượng trứng khoảng 250- 300 g/thau (không thu quá nhiều trứng vào 1 dụng cụ chứa trứng, khi thụ tinh mật độ trứng quá dày làm giảm tỷ lệ thụ tinh). Không để nước vào bát trứng khi chưa thụ tinh.
+ Thu sẹ: Tiến hành mổ cá đực, dùng kéo nhọn rạch một đường giữa bụng tương đương với vị trí gốc vây ngực kéo dài tới sát lỗ sinh dục phụ, sau đó dùng kéo tách ruột và mỡ cho tới khi nhìn thấy tuyến sẹ nằm dưới thận, dùng kéo tách tuyến sẹ ra. Khi đã lấy được tuyến sẹ phải đảm bảo không dính nước, sau đó dùng kéo cắt nhỏ và cho vào cối nghiền nát.
2.5. Thụ tinh nhân tạo
+ Lượng sẹ dùng thụ tinh trứng: 1g sẹ thụ tinh tối đa 30g trứng (sẹ của 1 con cá đực có thể đủ thụ tinh tối đa cho trứng của 2-3 con cá cái có cùng kích cỡ).
+ Đổ sẹ đã được nghiền vào bát trứng, dùng lông cánh gà trộn cho trứng và sẹ được đều trong bát, cho một lượng nước sạch khoảng 20 - 50ml tùy thuộc vào lượng trứng để tăng hoạt lực cho tinh trùng thực hiện quá trình thụ tinh.
+ Thời gian đảo trứng tiến hành trong khoảng 2 - 3 phút, sau đó rửa sạch trứng nhiều lần trước khi chuyển trứng vào bình ấp.
2.6. Ấp trứng
+ Sử dụng bình Weis để ấp trứng cá chiên, mật độ ấp 10 kg trứng/bình Weis 200 lít.
+ Môi trường ấp trứng đảm bảo các chỉ tiêu sau: nhiệt độ nước 20- 24 độ C; lưu tốc nước 0,2 m/s (6- 8 lít/phút); hàm lượng ô-xy >4 mg/l.
+ Sau 6 giờ ấp, bắt đầu loại bỏ trứng hỏng và trứng không thụ tinh khỏi bể ấp, vệ sinh mạng tràn bể ấp thường xuyên. Trứng cá chiên nở sau 25- 27 giờ. Cá bột sau khi nở 24 giờ cá hết noãn hoàng bắt đầu chuyển ra hệ thống bể ương.
+ Quản lý khu ấp trứng
- Nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ nở và tỷ lệ dị hình của cá bột. Do mùa vụ cá sinh sản của cá chiên vào mùa hè (tháng 5 đến tháng 7) nên cần phải để bể ấp trong nhà có điều hòa nhiệt độ.
- Khi cá bột bắt đầu nở, chúng sẽ hướng lên tầng mặt, tập trung mật độ rất cao. Do đó, cần có hệ thống vòi hoa sen cấp nước phía trên, tránh trường hợp cá bột bị ngạt.
- Trong quá trình ấp nở, bệnh nấm là bệnh thường gặp nhất. Nấm phát triển từ những quả trứng bị hỏng (không thụ tinh, thụ tinh nhưng không phát triển). Do đó phải loại bỏ các trứng hỏng ra khỏi bể ấp.
2.7. Nuôi duy trì đàn cá bố mẹ sau sinh sản
Cá bố mẹ sau khi tham gia sinh sản đưa trở lại nuôi duy trì. Mật độ nuôi 30 kg/100 m3 lồng, hoặc 30 kg/100m2 ao. Thức ăn là cá tươi, khẩu phần ăn 3% khối lượng tổng đàn. Các trang thiết bị phục vụ nuôi duy trì tương tự quá trình nuôi vỗ.
(Còn nữa...)
Đức Thịnh (gt)