Diễn đàn thu hút trên 200 đại biểu đến từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường; các sở, ban, ngành đến từ tỉnh Lai Châu; Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Trung tâm Khuyến nông, HTX, doanh nghiệp và người dân đến từ các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang; một số cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Diễn đàn 

Tiềm năng lớn cần được khai thác

Vùng trung du miền núi phía Bắc có địa hình đa dạng, nhiều thác ghềnh, khí hậu mát mẻ quanh năm. Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, chưa bị tác động nhiều bởi các hoạt động thương mại hay công nghiệp. Đây cũng là nơi sinh sống của trên 30 dân tộc với bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo, con người thân thiện. Vùng có tổng diện tích rừng 5.731.460 ha, chiếm 39,6% tổng diện tích rừng toàn quốc. Diện tích rừng tự nhiên của vùng khoảng 3.962 nghìn ha, rừng trồng 1.796 nghìn ha. Về đa dạng sinh học, vùng có thành phần loài động, thực vật phong phú với hơn 10.000 loài thực vật bậc cao, hơn 200 loài thú, 800 loài chim, 250 loài bò sát, hàng nghìn loài cá và loài côn trùng. Trong đó, có tới hơn 6.000 loài thực vật cho lâm sản ngoài gỗ.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Trọng Lịch, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: “Với sự đa dạng về tài nguyên rừng, địa hình, khí hậu, văn hóa…, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế dưới tán rừng như: cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ; các giá trị dịch vụ môi trường rừng gồm hấp thụ các-bon, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng,...”.

Theo đại diện Cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và PTNT, Việt Nam là nước có nhiều tiểu vùng khí hậu với các hệ sinh thái đặc trưng, nguồn tài nguyên động thực vật phong phú và đa dạng. Đây cũng là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều loài cây dược liệu đặc hữu, quý hiếm. Trong số các loài thực vật bậc cao đã được biết ở nước ta có 5.117 loài được sử dụng làm thuốc. Trong đó nhiều loài cây hiện sinh sống trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên. Hiện nay, cả nước có khoảng 14,79 triệu ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10,1 triệu ha, chiếm gần 70% tổng diện tích rừng của cả nước. Nhiều địa phương đã và đang phát triển dược liệu trong môi trường rừng, như: phát triển cây sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum và Quảng Nam; cây thổ phục linh, giảo cổ lam, thảo quả, đương quy, sa nhân, ba kích… tại tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Quảng Ninh, Điện Biên, Lai Châu…; cây sa nhân,  bách bộ, chè vằng, giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm… ở tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.... Từ đó, từng bước tạo nguồn dược liệu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đem lại nguồn thu nhập cho người dân nhận đất, nhận rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Riêng Lai Châu là địa phương có diện tích rừng lớn (tổng diện tích rừng 472.676,04 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 450.392,33 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,87%) và có nhiều cây loại cây dược liệu phát triển dưới tán rừng. Trong đó sâm Lai Châu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm, có thành phần sapolin phong phú, với 22 loại hoạt chất quý hiếm và tất cả các sản phẩm từ cây đều có thể làm thuốc. Đến nay tỉnh đã thu hút được gần 30 doanh nghiệp vào đầu tư, đang bảo tồn khoảng 1.200 cây sâm mẹ, phát triển trồng khoảng 35 ha. Dự kiến đến năm 2030 sẽ phát triển khoảng 3.000 ha và đến năm 2045 là 10.000 ha.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham quan mô hình tại Vườn bảo tồn và phát triển sâm Lai Châu tại bản Sin Chải, xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu 

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty Traphaco Sapa chia sẻ: “Hiện nay, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở trong nước rất lớn. Tuy nhiên, khả năng cung cấp nguyên liệu làm dược liệu chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất cũng như nhu cầu sử dụng ở trong nước, một phần vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài”.

Theo ông Hoàng Quốc Việt, Cố vấn Công ty TNHH Thương mại và du lịch PU Lai Châu, xu thế du lịch hiện nay là du lịch theo nhóm, du lịch trải nghiệm nông nghiệp - dược liệu; hành trình trải nghiệm gần gũi thiên nhiên hoang sơ, thưởng thức văn hóa, ẩm thực bản địa. Tại Lai Châu, một số mô hình du lịch nông thôn đã được đưa vào khai thác. Theo đó, du khách có thể trải nghiệm một ngày cùng người Mông làm thảo quả; người Dao làm rong, chăm sóc vườn dược liệu quý; cùng người Thái làm lúa, sáng ra đồng, lên nương bữa trưa cơm nắm, nước suối khe, tối về ấm cúng với bữa ăn bên bếp lửa, thưởng thức tiếng hát, điệu khèn, điệu múa bản địa.

Trả lời các câu hỏi của các đại biểu tại diễn đàn, ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết, địa phương đã ban hành Nghị quyết phát triển dược liệu gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc và phát triển du lịch. Ngoài các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng đang khai thác như Sìn Suối Hồ, Lao Chải, Nà Luồng..., tỉnh cũng đang huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh gắn với dược liệu, nông nghiệp.

Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành

Theo thông tin từ các cơ quan tham dự diễn đàn, đến nay Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển dược liệu gắn với du lịch sinh thái.

Về chính sách, Điều 4 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định: Nhà nước khuyến khích sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp, theo đó việc trồng cây lâm sản ngoài gỗ (bao gồm cây dược liệu) dưới tán rừng là một phương thức sản xuất lâm, nông kết hợp, đảm bảo tính phát triển bền vững của khu rừng, tạo nguồn thu cho chủ rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng để quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rừng; Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 (hiện nay được tiếp tục thực hiện): hỗ trợ 5-10 triệu/ha và cho vay tối đa 15 triệu đồng/ha tối đa 20 năm để phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu; Quyết định số 376/QĐ-TTg, ngày 17/3/2021 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 611/QĐ-TTg, ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”...

Về các chương trình, đề án liên quan đến cơ chế thúc đẩy phát triển dược liệu, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành triển khai Đề án “thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dược liệu”, Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045, Xây dựng Đề án phát triển cây dược liệu và Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

leftcenterrightdel
Nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển dược liệu gắn với du lịch sinh thái được ban hành

 Còn nhiều bất cập, vướng mắc khi triển khai thực hiện

Phần trao đổi, thảo luận tại diễn đàn diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi đến từ các đại biểu tham dự. Chủ đề trao đổi tập trung vào các vấn đề: Quy hoạch vùng trồng phát triển cây dược liệu; Giống cây dược liệu; Các văn bản hướng dẫn cụ thể của nhà nước, tỉnh đối với người dân về các quy định trồng cây dược liệu dưới tán rừng; Việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng đối với cây dược liệu; Quy trình kỹ thuật phát triển nguồn giống dược liệu; Các quy định, thủ tục xác minh khi người dân bán cây dược liệu thuộc loài quý hiếm; Sự hỗ trợ, nâng cao kiến thức cho người dân về giống, kỹ thuật trồng, kỹ thuật trồng, canh tác và thu hoạch; Vai trò của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp trong phát triển dược liệu gắn với du lịch sinh thái...

Trao đổi tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh cho rằng: Việc phát triển thương hiệu các sản phẩm dược liệu là trách nhiệm của các doanh nghiệp. Diện tích, chủng loại các cây dược liệu phải do các doanh nghiệp đặt hàng sản xuất mới sát nhu cầu thực tiễn. Ông cũng chia sẻ những khó khăn, bật cập hiện nay trong việc xác định nguồn gốc sâm Lai Châu; những quy định, hướng dẫn cụ thể của các cấp, ban, ngành để người dân “trồng được cây dược liệu dưới tán rừng nhưng không gây ảnh hưởng đến môi trường rừng”, những khó khăn về hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu nói chung và cây Sâm Lai Châu nói riêng trên địa bàn tỉnh.

leftcenterrightdel
 Ban cố vấn giải đáp câu hỏi của đại biểu tại Diễn đàn 

Bà Phạm Thị Hạnh – Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, phát triển chuỗi giá trị cây dược liệu, rất cần sự tham gia của các nhà khoa học. Đặc biệt là trong việc xác định các loài cây thích hợp với vùng sinh thái, xác định vùng trồng và nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật theo kèm.

Bà Nguyễn Thị Hà – Giám đốc Trung tâm Lào Cai chia sẻ, cần xác định rõ các loài cây dược liệu phù hợp cho mỗi tỉnh. Cần phân chia cụ thể các cây loại cây dược liệu làm thuốc và cây dược liệu phục vụ hoạt động văn hóa, du lịch.

Trao đổi và chia sẻ cùng với những khó khăn của các đại biểu, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nêu quan điểm: Chúng ta phải xác định phát triển dược liệu thành một "ngành hàng", cần phải hình thành một đơn vị chuyên trách có chức năng kiến tạo phát triển tổng thể, từ đó mới có tổ chức chịu trách nhiệm về nghiên cứu, xây dựng cho ngành dược liệu mục tiêu, chiến lược thực hiện, xây dựng các chính sách phù hợp, tổ chức triển khai đúng lộ trình. Đồng thời, cần thiết phải xây dựng và triển khai lộ trình hàng rào kỹ thuật đối với dược liệu, theo hướng ưu tiên các dược liệu trong nước, dược liệu có tiêu chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; cần thiết phải nhanh chóng xây dựng hệ thống các vườn cây thuốc quốc gia theo Quyết định 1976 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng an toàn, bền vững.

Diễn đàn chỉ là bước khởi đầu, cần sự vào cuộc của cả hệ thống

Phát biểu bế mạc diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tham dự tại diễn đàn. Ông cho rằng diễn đàn đã gợi mở rất nhiều vấn đề và nhấn mạnh: Mọi công việc mới đang ở thời điểm khởi đầu. Thông qua diễn đàn này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù đối với các mô hình phát triển nông nghiệp dược liệu. Từ đó có thể từng bước phát huy tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về dược liệu ở Việt Nam, đồng thời khai thác tiềm năng, lợi thế của dịch vụ hệ sinh thái rừng của từng địa phương. Ông cũng đề xuất các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải những thông tin, nội dung, kết quả của diễn đàn để kêu gọi sự đồng hành và vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương.

leftcenterrightdel
Ông Lê Quốc Thanh phát biểu bế mạc diễn đàn

Ánh Nguyệt – Hoàng Phương