Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Thanh Hóa, đối với sâu cuốn lá: sâu non tuổi 1 lứa 6 sẽ tập trung gây hại từ ngày 15-18/8 trên trà lúa mùa sớm và rải rác cho tới 25/8 trên trà lúa mùa muộn. Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 5 tiếp tục phá sinh gây hại, tích luỹ mật độ và gây cháy cục bộ từ 20-25/8 trên trà lúa trỗ sớm. Rầy lứa 6 (gối lứa 5) sẽ phát sinh gây hại từ đầu đến trung tuần tháng 9. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh gây hại trên lúa mùa giai đoạn làm đòng - trỗ, hại nặng trên các giống lúa lai, BC15, các chân ruộng bón phân không cân đối, thiếu kali, thừa đạm trong điều kiện có mưa to, gió lớn. Ngoài ra trưởng thành sâu đục thân lứa 4 đã ra rộ và đẻ trứng rải rác với mật độ thấp. Chuột tiếp tục gây hại trên các trà lúa giai đoạn làm đòng - trỗ bông, các khu ruộng gần gò bãi, chân ruộng vàn cao…
Trước diễn biến phức tạp của sâu bệnh tiếp tục gây hại trên diện tích lúa mùa, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hoá đã tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại một cách quyết liệt, cụ thể:
- Đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 6: Ở vùng có mật độ sâu từ 20 con/m2, cần chỉ đạo phun trừ khi tuổi 1 rộ bằng một trong các loại thuốc như: Virtako 40WG, Ammate 150SC, Prevathon 5SC, Kampon 600WP, Sunset 300WG, Takumi 20WG, Clever 150SC….nơi có mật độ cao phun kép 2 lần cách nhau 3-4 ngày và đảm bảo nguyên tắc 4 đúng như hướng dẫn.
- Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 5, 6: Đối với trà lúa đứng cái – ôm đòng, mật độ từ 1.500 con/m2, hướng dẫn phun trừ bằng các loại thuốc có tính nội hấp, lưu dẫn như: Chess 50WG, Elsin 10EC, Sutin 50SC, Chatot 600WG…Diện tích lúa trỗ - trắc xanh khi mật độ từ 750 con/m2 phun bằng các loại thuốc tiếp xúc, xông hơi như: Bassa 50EC, Victory 585EC, Vibas 50ND, Penalty Gold 50EC…và rẽ lúa thành băng rộng 0,8-1m và phun trực tiếp vào thân và gốc lúa. Chỉ đạo phun kép lần 2 nếu mật độ rầy quá cao.
- Sâu đục thân: Cần theo dõi diễn biến mật độ sâu trưởng thành và ổ trứng để phun trừ kịp thời. Nơi có mật độ ổ trứng từ 0,2-0,3 ổ/m2 cần phun bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Virtako 40WG, Prevathon 5SC….Phun sau khi bướm rộ 5-7 ngày hoặc sâu non tuổi 1 ra rộ, nên phun kép 2 lần cách nhau 5-7 ngày.
- Đối với bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn: Hướng dẫn nông dân phun phòng sớm khi có giọt dịch vi khuẩn xuất hiện (vết bệnh chưa hình thành rõ) bằng một trong các loại thuốc sau: Xanthomix 20WP, Sasa 20WP, Ychatot 900SP, Kasumin 2L, Staner 20WP…phun đều trên ruộng, phun lại lần 2 cách 7-10 ngày.
Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Sở Nông nghiệp và PTNT còn phân công cán bộ chỉ đạo phụ trách các địa bàn, trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Đồng thời kiểm soát việc kinh doanh thuốc BVTV, xử lý trường hợp bán thuốc kém chất lượng, bán kèm các loại thuốc không đúng đối tượng phòng trừ, nhằm phòng trừ sâu bệnh hại lúa cuối vụ mùa đạt hiệu quả nhất./.
Trịnh Hà – TTKN Thanh Hoá