Tham dự hội nghị có ông Lê Quốc Phong, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng/Bí thư Tỉnh ủy, ông Lê Thành Công, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy/Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy/Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Tỉnh - chủ trì hội nghị; cùng sự tham dự của đại diện lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Huyện ủy, Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện mô hình.
Mô hình này xuất phát từ ý tưởng sáng tạo của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam Tỉnh, triển khai phát động năm 2020. Khởi đầu triển khai thực hiện thí điểm tại 5 huyện trong tỉnh, mỗi địa phương chọn thí điểm tại một xã. Theo đó, huyện Châu Thành thí điểm trên lĩnh vực cây nhãn; huyện Lấp Vò thí điểm trên lĩnh vực cây hoa màu; huyện Lai Vung thí điểm trên lĩnh vực cây có múi; huyện Cao Lãnh thí điểm trên lĩnh vực cây xoài và cây mít; huyện Tháp Mười thí điểm trên lĩnh vực cây lúa, cây ăn quả mít. Mặc dù không là đơn vị được chọn thí điểm, nhưng để hưởng ứng việc phát động thi đua phấn đấu trở thành người nông dân chuyên nghiệp của tỉnh, thành phố Cao Lãnh (chọn xã Tân Thuận Tây) và huyện Tân Hồng (chọn xã An Phước) triển khai thực hiện theo kế hoạch của tỉnh.
MTTQ phối hợp với các ngành chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch, nêu rõ mục tiêu, chỉ tiêu có yếu tố định tính, định lượng cụ thể, có phân công thực hiện, xác định nguồn lực, thời gian hoàn thành; tổ chức triển khai, quán triệt chủ trương của cấp ủy, các kế hoạch của Ủy ban MTTQ Việt Nam Tỉnh, huyện đến thành viên Ban vận động, bí thư chi bộ, Ban công tác Mặt trận, Ban quản lý Tổ Nhân dân tự quản, Hợp tác xã, Hội quán, đại diện hộ dân của các xã được chọn thí điểm để thực hiện. Các bước triển khai mô hình được thực hiện một cách chặt chẽ, Ban vận động tổ chức khảo sát các hộ dân sản xuất trên địa bàn có nhu cầu tham gia mô hình; tuyên truyền, vận động nông dân đăng ký tham gia mô hình trên tinh thần tự nguyện.
Qua 03 năm triển khai thực hiện mô hình, đã đạt được những kết quả rất khả quan: Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực về ý nghĩa, mục tiêu của mô hình; từng bước thay đổi nhận thức từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; được tham quan học tập các mô hình hay, cách làm mới; được hỗ trợ thông tin về khoa học kỹ thuật, phổ biến kiến thức trong việc áp dụng hoàn thiện chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản bền vững, có giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống, bảo đảm sức khỏe và nâng cao thu nhập; được ưu tiên hướng dẫn, giới thiệu tiếp cận nguồn vốn thông qua các chương trình, dự án, đề án triển khai tại địa phương; tính chất mô hình phù hợp với nhu cầu của Nhân dân nên đã tạo sự đồng thuận cao, từ đó tập hợp được đa dạng thành phần tham gia và hình thức tập hợp Nhân dân vào các tổ chức chính trị - xã hội tăng 13,4% (trước khi thực hiện đạt 71%, sau khi thực hiện đạt 84,4%). Thông qua mô hình, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở và địa bàn khu dân cư, thực hiện có hiệu quả phương châm hành động "Ở đâu có người dân, ở đó có các hình thức tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc" với 03 nhiệm vụ đột phá: Nâng cao chất lượng công tác giám sát và hoạt động phản biện xã hội; Củng cố, nhân rộng các mô hình tự quản hoạt động hiệu quả ở cộng đồng dân cư; Phát huy vai trò các Hội đồng tư vấn của Uỷ ban MTTQ Việt Nam Tỉnh,… góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bước đầu đã hình thành cho người nông dân hiểu được nông nghiệp phải tích hợp đa giá trị chứ không phải đơn giá trị, chú trọng đến tính tiện ích của hàng hoá, sản phẩm, sản xuất theo tín hiệu thị trường. Nhận thức được thị trường đã chuyển từ nhu cầu "ăn cho no" sang "ăn cho ngon", "ăn cho sạch, an toàn, nhiều dinh dưỡng". Từ đó, sản xuất cũng phải phân ra nhiều luồng theo nhu cầu của xã hội, phải sản xuất sạch, tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn; theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường, có trách nhiệm, có đạo đức với bản thân và cộng đồng.
Điển hình như mô hình trồng nhãn ở huyện Châu Thành triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, tổng diện tích nhãn của Hợp tác xã (HTX) được chứng nhận VietGAP là 113,39ha/120ha; 19,5ha GlobalGAP và 122,95ha được cấp mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ngoài ra, HTX được Viện thực phẩm Việt Nam cấp giấy chứng thực thẩm định “Thực phẩm sạch - An toàn vì sức khỏe người tiêu dùng”. Hiện tại, HTX liên kết với doanh nghiệp đầu ra cung ứng hàng cho xuất khẩu với số lượng khoảng 18 tấn/tuần…
Hoặc như Minh Tâm Hội quán, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh có 100% thành viên tham gia sản xuất xoài tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện “Sổ nhật ký canh tác” tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc, để tiêu thụ xoài dễ dàng và hiệu quả. Hiện tại, Minh Tâm Hội quán đang thực hiện mô hình “Sản xuất xoài theo hướng công nghệ cao” với diện tích 10ha;
Trên địa bàn huyện Cao Lãnh, xã Tân Hội Trung có 95 hộ, xã Gáo Giồng 50 đăng ký sản xuất lúa theo mô hình VietGAP, 150 hộ nuôi cá diêu hồng tại xã Bình Thạnh,…
Huyện Lai Vung có 62/73 hộ thành viên, đạt 84,9% được tiếp cận và áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong quá trình canh tác, tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm, các chất bảo quản. Tổ chức 22 lớp tập huấn, hội thảo, trao đổi về sản xuất hàng hoá nông sản đảm bảo an toàn; vận động 20 hộ đăng ký thực hiện đề án khôi phục 500 ha quýt hồng của huyện; phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện điểm mô hình khắc phục bệnh trên cây có múi...; tham gia mô hình, người nông dân tuyệt đối tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh
100% hộ đăng ký tham gia mô hình “Người Nông dân chuyên nghiệp” đều thực hiện tốt các quy định, nội quy của các tổ liên kết, tổ hợp tác, Luật HTX khi tham gia vào các loại hình kinh tế tập thể; không thực hiện các hành vi gian dối và chịu trách nhiệm pháp lý về các hợp đồng, thỏa thuận theo quy định của pháp luật; người nông dân hiểu rõ hơn về quy luật “Hợp tác - Liên kết - Thị trường”; các thành viên đều chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong sản xuất, kinh doanh và liên kết sản xuất đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về thực hiện mô hình, bảo đảm nâng cao thu nhập của người nông dân, làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân trên mảnh đất của mình. Điển hình tiêu biểu là xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười liên kết Công ty VINARIAI, Công ty Lộc Trời tiêu thụ lúa giống và lúa hàng hóa, có 251 hộ, với diện tích 1.503 ha; huyện Châu Thành, Hợp tác xã “Nhãn an toàn” kết nối với các doanh nghiệp bách hóa xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ tiêu thụ gần 200 tấn nhãn; huyện Lấp Vò liên kết tiêu thụ Khoai môn diện tích 57 ha, bắp diện tích 68 ha, cam diện tích 3 ha, chanh 10 ha, nhãn diện tích 5 ha, tính đến thời điểm hiện tại phối hợp hỗ trợ tiêu thụ cho bà con nông dân 1.075,25 tấn nông sản các loại; huyện Cao Lãnh, mô hình “Ruộng nhà mình” sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở HTX Thuận Tiến Gáo Giồng, “Cây xoài nhà tôi” xã Mỹ Xương, liên kết sản xuất lúa giống ở xã Tân Hội Trung; thành phố Cao Lãnh, từ xã Tân Thuận Tây đã nhân rộng đến xã Tịnh Thới và Tân Thuận Đông sản xuất xoài theo hướng liên kết tiêu thụ, gắn với phát triển du lịch cộng đồng với 62,8 ha của 73 hộ tham gia...
Hiệu ứng mô hình “Người Nông dân chuyên nghiệp” xuất phát từ sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, xem đây là động lực và cơ hội thúc đẩy nhanh phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững, nâng cao chất lượng nông sản, đủ điều kiện tham gia trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, trách nhiệm làm nòng cốt trong phong trào vận động nông dân phấn đấu trở thành “Người Nông dân chuyên nghiệp”, đã tác động nông dân ngày càng nhận thức rõ hơn việc phấn đấu trở thành “Người Nông dân chuyên nghiệp” là quyền lợi và nghĩa vụ của mình, tự nguyện, tự giác tham gia mô hình; từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tham gia vào chuỗi sản xuất ứng dụng kỹ thuật mới, các chương trình liên kết trong sản xuất kinh doanh, ứng dụng các quy chuẩn an toàn, góp phần thực hiện có hiệu quả xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.
Trần Thắng
Ban Dân chủ Pháp luật - Tuyên giáo UBMTTQVN tỉnh Đồng Tháp