Không chỉ trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực như cây cam chanh, cây lúa hay chăn nuôi lợn mà các loại cây hoa màu cũng đang được người dân mạnh dạn chuyển đổi canh tác hữu cơ, trong đó có mô hình sản xuất bí xanh theo hướng hữu cơ được chị Đoàn Thị Hoan ở thôn 1, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang tiên phong triển khai thực hiện bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực.

Đến thăm mô hình trồng bí xanh của gia đình chị Đoàn Thị Hoan ở thôn 1, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang đúng vào dịp vườn bí của gia đình chị bước vào vụ thu hoạch. Nhìn những dàn bí xanh mướt, đầy quả lủng lẳng chuẩn bị thu hái để xuất bán cho khách hàng, chị Hoan vui vẻ chia sẻ: Toàn bộ diện tích đất vườn đồi này, trước kia gia đình chủ yếu trồng các loại rau cải thiện bữa ăn gia đình và trồng ngô, sắn phục vụ chăn nuôi. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, được đi tham quan một số mô hình từ tỉnh bạn, trong đó có mô hình trồng bí xanh ở Nghệ An làm chị khá tâm đắc. Vì vậy, đầu tháng 8/2023, chị đã mạnh dạn đưa bí xanh vào sản xuất theo hướng hữu cơ trên diện tích 4 sào.

Chị Hoan cho biết: Giống bí đao xanh Nova 209 này là loại cây ngắn ngày, dễ trồng, tính từ khi bắt đầu gieo trỉa cho đến khi thu hoạch chỉ có hơn 80 ngày và cho thu hoạch 3 đến 4 lứa. giống bí xanh này ruột đặc, thịt chắc, thơm ngon không rỗng ruột, vị chua như giống bí thông thường khác nên dễ bảo quản và phù hợp với việc vận chuyển xa, rất dễ tiêu thụ.

leftcenterrightdel
Bí đao xanh Nova 209 đặc ruột, chắc thịt dễ tiêu thụ 

Theo chị Hoan, kỹ thuật trồng bí thường không khó, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, vốn đầu tư ban đầu thấp. Tuy nhiên, để tạo ra sản phẩm an toàn thì quy trình canh tác phải sử dụng hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học phun phòng trừ sâu bệnh. Vì vậy, người trồng cần phải nắm rõ quy trình và các giai đoạn sinh trưởng phát triển để có chế độ chăm sóc hợp lý giúp cây mới có thể cho quả nhiều, đạt năng suất cao.

 Để đảm bảo được tỷ lệ sống cao, cây khỏe, hạt giống cần được ngâm ủ, gieo vào các bầu nhỏ, khi cây nảy mầm được ươm trong bầu từ 10 -15 ngày mới đưa ra trồng. Đất đóng bầu cần đủ độ tơi xốp bằng cách trộn đất với phân hữu cơ, xơ dừa hoặc mùn cưa để cây đủ dinh dưỡng cho quá trình sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh ngay từ giai đoạn đầu.

 Khi đưa ra trồng ở vườn, mặc dù trong quá trình sinh trưởng, cây bí xanh cần phải tưới nước nhiều lần nhưng với cách làm luống cao 7-10cm, luống được che phủ nilon, hạn chế được cỏ dại, giữ độ ẩm tốt, chống xói mòn nên rất thuận lợi cho việc chăm sóc. 

“Một trong những khâu kỹ thuật quan trọng để bí được nhiều quả, cho năng suất cao, đó là khi cây bí cao tầm 2m, tiến hành cắt ngọn xen kẽ, vết cắt từ đỉnh ngọn xuống thân tầm 7-10 cm, khi nào ngọn mới ra thì mới cắt ngọn cây kế bên. Việc cắt ngọn giúp cây bí đẻ nhánh khỏe và cho quả nhiều nên người trồng cần cắt ngọn đúng thời điểm mới đảm bảo hiệu quả.”. Chị Hoan chia sẻ thêm.

Đang thu hoạch bí, chị Hoan phấn khởi cho hay: Dù mới trồng thử nghiệm vụ đầu những mô hình đã  mang lại tín hiệu tích cực như: cây phát triển tốt trên đất đồi, tỉ lệ đậu quả cao, mẫu mã đẹp,… Đặc biệt, mô hình được trồng theo hướng hữu cơ, nói không với thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, nên chất lượng quả an toàn, vì vậy, trong vụ đầu thu hoạch đã có thương lái ở Nghệ An vào thu mua cả vườn với giá 8.000 đồng/kg nên gia đình rất yên tâm.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình nên vườn bí của chị Hoan trĩu quả. Dự kiến từ nay đến hết vụ, gia đình sẽ thu hoạch trên 2 tấn quả và cho thu nhập khoảng 16 triệu đồng. So với các loại hoa màu khác thì trồng bí cho thu nhập cao hơn rất nhiều lần.

Từ hiệu quả cây bí xanh mang lại, chị Hoan đang tiếp tục mở rộng diện tích gần 1000m2 và trồng gối lứa, áp dụng đúng phương pháp, quy trình trồng hữu cơ để có sản phẩm sạch cung cấp thường xuyên cho khách hàng.

leftcenterrightdel
 Gia đình chị Hoan đang tiếp tục mở rộng diện tích gần 1000m2 trồng bí đao xanh theo hướng hữu cơ

Ông Phan Anh Toản - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Vũ Quang cho biết: Đây là mô hình trồng bí hữu cơ đầu tiên trên địa bàn huyện được chị Đoàn Thị Hoan mạnh dạn triển khai. Dù mới trồng vụ đầu tiên, nhưng mô hình trồng bí xanh này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá, đã mở ra triển vọng mới giúp người dân khai thác tối đa thế mạnh vườn đồi, góp phần đa dạng hóa cây trồng tại địa phương và tạo điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và vận động bà con trên địa bàn đến tham quan, từng bước nhân rộng, để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống,  góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM tại địa phương. 

Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh