Đây là lần đầu tiên đồng ruộng Cà Mau xuất hiện máy cấy lúa, được xem như giải pháp mới cho cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân. Được biết, máy cấy lúa YP4 sử dụng mạ khay của hãng YANMAR - Nhật Bản sản xuất, máy có động cơ xăng 4 thì, công suất 2,5 mã lực, nhiên liệu tiêu hao cho 1 công cấy là 0,6 lít xăng. Máy cấy được 4 hàng, khoảng cách hàng 3 tấc (đây là khoảng cách hàng tối ưu cho cây lúa phát triển tốt được các chuyên gia của hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI nghiên cứu tại nhiều quốc gia ở Châu Á, trong đó có Việt Nam), cây cách cây dao động từ 1,2 - 2,2 tấc, có thể điều chỉnh số cây/bụi, cơ cấu cấy hoạt động theo nguyên lý chải đẩy, lượng thóc giống ít, chất lượng cấy tốt, cây mạ không bị tổn thương sau khi cấy. Ưu thế vượt trội của loại máy cấy này là thân máy gọn, nhẹ (trọng lượng khoảng 80 kg) và đẹp, hoạt động được trong điều kiện ruộng bùn lầy và nền đất tương đối bằng phẳng. Công suất cấy lúa tối đa đạt 1-1,5 ha/ngày, thay thế khoảng 25 lao động/ngày và hiệu quả kinh tế gấp 20 lần so với phương pháp cấy bằng tay.

Cán bộ Trường Đại học Cần Thơ vận hành thử nghiệm máy cấy ở tỉnh Cà Mau
TS. Nguyễn Văn Khải, Phó trưởng bộ môn Kỹ thuật Cơ khí - Khoa Công nghệ - Đại học Cần Thơ - phụ trách nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ máy cấy YP4, cho biết: “Điều quan trọng là phải chú ý đến kỹ thuật làm mạ khay, bề dày của nền mạ khoảng 2 cm trở lại, mạ phải cứng, chắc thì cấy sẽ càng đẹp. Ngoài ra, mật độ khi sạ 1 m2 mạ là 400 gram giống đối với giống hạt lớn (hạt nhỏ 300 gram), sạ đều thì sẽ cấy được 1-2 tép/bụi, đúng với tiêu chuẩn chất lượng cấy giống. Bên cạnh đó, trước khi cấy, bà con nên ngưng tưới nước một ngày để cho nền mạ khô, cứng".
Theo Ks. Trần Minh Chòi – Trung tâm KN-KN Cà Mau, việc cấy bằng máy, lượng giống chỉ cần 50kg/ha. Còn nếu dùng phương pháp sạ dày như hiện nay, nông dân phải tốn hơn 200 kg lúa giống/ha. Mặt khác, cấy bằng máy do lúa thưa nên ít sâu bệnh, lúa cứng cây không sợ mưa gió gây đổ ngã. Với phương pháp này, chi phí sản xuất giảm được 50%, do đó, lợi nhuận cho nông dân tăng thêm đáng kể. Đó là chưa tính lúa bán được giá cao hơn nhờ chất lượng hạt đồng đều so với hạt lúa sạ dày… Mạ dùng cho máy cấy đòi hỏi phải sản xuất theo phương pháp mạ thảm trên khay hoặc trên ruộng có trải bạt ni-lon, có thể cắt theo kích thước của dàn đựng mạ. Muốn cơ giới hóa khâu cấy lúa, chuyển giao quy trình làm mạ cần đi trước.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng trại Giống Khánh Lâm - U Minh, đánh giá: “Ưu điểm lớn nhất của loại máy này là hoạt động được trong điều kiện đất bùn lún, cấy khá nhanh và đẹp. Hơn nữa, máy cấy rất phù hợp với nông dân khi mà nguồn nhân công lao động tại địa phương đang thiếu. Bình quân, một công lúa (1000m2), nếu thuê cấy tay, giá 800.000 đồng (tính ra chi phí cấy hết khoảng 8 triệu đồng/ha). Nông dân rất phấn khởi với loại sản phẩm này, nếu đưa được máy cấy vào sản xuất nông nghiệp, chắc chắn sẽ giải phóng cơ bản sức lao động, bảo đảm khung thời vụ tốt hơn, khi chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cũng đỡ mất nhiều công sức... Tuy nhiên, cần hướng dẫn nông dân gieo sạ mạ để đảm bảo cho khâu cấy đạt chất lượng”.
Mỗi chiếc máy cấy sẽ đảm bảo diện tích đạt được 1,5-2 ha/ngày, sử dụng hết 6 lít xăng, 3 nhân công, tính ra tổng chi phí xăng và nhân công khoảng 1.000.000 đồng/ha, khấu hao máy 300.000 đồng/ha. Như vậy, sử dụng máy cấy giảm được chi phí so với thuê cấy thủ công 7 triệu đồng/ha. Đây cũng chính là lợi nhuận của người sắm máy để làm dịch vụ cấy lúa thuê. Áp dụng các loại máy cấy lúa mạ thảm có thể giảm lượng hạt giống từ 40 - 50%, tăng năng suất cây trồng lên khoảng 10 - 15%.
Trước tình hình thiếu nhân công lao động ở nông thôn thì việc áp dụng cơ giới hóa cho cấy lúa ngày càng trở nên cấp thiết đối với nông dân Cà Mau, chiếc máy cấy 4 hàng và quy trình cấy lúa mạ khay đang trở thành giải pháp thiết thực để giúp ngành nông nghiệp tỉnh nhà sớm hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới./.
Trần Ngọc Lãm - TTKNKN Cà Mau