Xã Đồng Tuyển có tiềm năng để phát triển diện tích cây sắn nhưng do người dân có thói quen canh tác sắn theo lối quảng canh nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao và còn khiến đất dễ bị thoái hóa, bạc màu. Việc thực hiện mô hình thâm canh sắn trồng xen cây họ đậu nhằm giảm tác hại do canh tác theo lối quảng canh.


Để thực hiện mô hình đạt hiệu quả, Trạm Khuyến nông thành phố Lào Cai đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Lào Cai lựa chọn các giống sắn mới, năng suất cao để đưa vào trồng với diện tích 9 ha/45 hộ tham gia; giống sắn được lựa chọn là giống KM 94 và cây họ đậu được đưa vào trồng xen là cây đậu xanh, đậu đen. Các hộ tham gia dự án được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo từng giai đoạn. Trồng sắn với mật độ 10.000 gốc/ha, giữa hai hàng sắn trồng xen hai hàng đậu.


Kết quả cho thấy, cây sắn sinh trưởng, phát triển tốt, do được đầu tư về giống, phân bón, công lao động nên chi phí trồng sắn xen cây họ đậu có cao hơn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cũng tăng lên vì năng suất sắn tăng và có thêm sản phẩm phụ là cây đậu. Dự kiến đến tháng 12/2014, diện tích sắn sẽ cho thu hoạch, năng suất ước đạt từ 25 - 30 tấn/ha. Sau khi thu hoạch doanh nghiệp sẽ đến tận nơi thu mua sản phẩm cho nông dân.

 

Sắn sau trồng 5 tháng tại xã Đồng Tuyển.


Qua việc nhân rộng dự án phát triển sắn bền vững cho thấy cây sắn có ưu thế phát triển được trên chân đất có độ dốc lớn, nghèo dinh dưỡng và khô hạn nhưng lại khiến đất nhanh chóng bị bạc màu. Nếu trồng sắn liên tục 2 – 3 vụ sẽ giảm năng suất, chất lượng và trồng sang các loại cây nông nghiệp khác, cây sẽ phát triển kém. Do đó, khi trồng sắn xen các cây họ đậu, các bộ phận của cây họ đậu sẽ được bổ sung một phần chất dinh dưỡng vào đất. Ngoài phần củ, quả được thu hoạch thì thân, rễ và lá cây họ đậu có tác dụng che phủ gốc sắn nhằm duy trì độ ẩm của đất, hạn chế cỏ dại, và sau khi các bộ phận trên bị hoai mục sẽ trả lại cho đất một phần chất hữu cơ. Như vậy chất màu mỡ của đất ít bị rửa trôi, mà đất canh tác trong nhiều vụ vẫn không bị thoái hóa.


Dự án phát triển sắn bền vững góp phần phục vụ phát triển kinh tế nông thôn miền núi và trong thực tiễn đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, vừa tăng thu nhập cho người dân, vừa có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường đất, giúp phát triển cây sắn ở thành phố Lào Cai theo hướng bền vững.

 

Đoàn Thị Toan

Trạm Khuyến nông thành phố Lào Cai