Phú Thọ: Hiệu quả của mô hình trồng lúa lai 3 dòng
Cập nhật lúc 13:40, Thứ ba, 05/06/2012 (GMT+7)
Vụ chiêm Xuân 2012, trạm Bảo vệ thực vật Đoan Hùng, trạm KN huyện phối hợp với Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang thực hiện mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI tại thôn Phượng Hùng xã Chí Đám. Mô hìnhvà sử dụng các giống lai 3 dòng là Bắc ưu 11 và Kim ưu 18 trên diện tích 1 ha với 18 hộ tham gia.
Vừa qua, trạm Bảo vệ thực vật huyện đã tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm đánh giá kết quả thực hiện mô hình. Mô hình trình diễn được áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc theo quy trình kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI, cấy với mật độ trung bình từ 35 đến 40 khóm/m2, cấy từ 1 đến 2 dảnh/khóm, vì vậy mà lượng giống gieo cấy chỉ cần 20 kg/ha (từ 5 – đến 7 lạng/sào). Qua đánh giá, giống lúa Bắc ưu 11 và Kim ưu 18 có thời gian sinh trưởng từ 120 đến 125 ngày nên có thể bố trí vào cơ cấu 2 vụ lúa, 1 vụ màu. Giống lúa Bắc ưu 11 và giống lúa Kim ưu 18 có khả năng đẻ nhánh tốt, đạt từ 8 đến 10 dảnh trên 1 khóm, tỷ lệ nhánh hữu hiệu cao, chịu rét tốt, có khả năng kháng bệnh, năng suất của giống lúa Kim ưu 18 đạt cao nhất lên tới 11,8 tấn/ha, giống Đắc ưu 11 đạt 8,9 tấn/ha.
Hiện, Hội Nông dân và trạm Khuyến nông huyện phối hợp phổ biến đến bà con nông dân kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch giống lúa mới. Trong tương lai, nhiều giống lúa mới sẽ được gieo cấy phổ biến ở các xã trong huyện Đoan Hùng nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng sản xuất nông nghiệp.
Nguyễn Thế Lượng