Hành lá là cây dễ trồng, ngắn ngày, dễ chăm sóc, giá cả ổn định, lợi nhuận thu được từ hành lá cao gấp 5 - 6 lần trồng lúa. Hiện nay, mặc dù nông dân đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất cây hành lá, tuy nhiên việc quản lý các đối tượng dịch hại của nông dân còn gặp nhiều khó khăn do chủ yếu dựa vào việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là chính mà không áp dụng đồng bộ các khâu kỹ thuật canh tác khác để nâng cao hiệu quả quản lý dịch hại cũng như giảm chi phí sản xuất cho người trồng hành lá.

Chính vì thế mô hình “Sản xuất hành lá (Allium fistulosum) theo hướng GAP với phương pháp nhân giống bằng hạt tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long” được thực hiện nhằm trang bị cho nông dân kiến thức trong việc chọn phương pháp nhân giống để gieo trồng, áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác trong quản lý dịch hại, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất hành lá nói riêng.

Mô hình thực hiện với mục tiêu giúp người dân thấy hiệu quả của việc sản xuất hành lá từ nguồn giống gieo bằng hạt; thay đổi dần thói quen định kỳ sử dụng thuốc BVTV trên cây hành lá. Đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng lợi nhuận cho bà con nông dân.

Mô hình được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2022, tại xã Tân Bình huyện Bình Tân với quy mô 1 ha/2 điểm, mỗi điểm thực hiện 5.000 m2. Ở mỗi điểm mô hình bố trí ruộng thực nghiệm và ruộng đối chứng (gieo trồng bằng cây giống) có cùng điều kiện canh tác và chăm sóc.  

leftcenterrightdel
Ruộng mô hình sản xuất hành lá theo hướng GAP với phương pháp nhân giống bằng hạt 

Qua quá trình thực hiện mô hình thấy, việc sử dụng hành giống gieo từ hạt giúp giảm khả năng gây hại của sâu và bệnh trên ruộng hành, đồng nghĩa với việc giảm số lần phun thuốc BVTV. So với ruộng đối chứng, mô hình giúp giảm chi phí đầu vào (giảm 86,9 triệu đồng/ha), giảm giá thành sản phẩm (cụ thể giảm 4 lần phun thuốc trừ sâu và 4 lần phun thuốc bệnh), tăng năng suất (tăng 2,4 tấn/ha), giảm sâu bệnh hại dẫn đến giảm ô nhiễm môi trường, tăng lợi nhuận hơn (tăng 26,9 triệu đồng/ha), đồng nghĩa với việc tăng thu nhập cho bà con nông dân (tăng 14,3%).

Đặc biệt, so với cách sản xuất truyền thống thì mô hình gieo trồng từ hạt đã góp phần thúc đẩy bà con nông dân mạnh dạn thay đổi phương pháp gieo trồng. Từ đó, cải thiện mạnh mẽ không những về tài chính còn về môi trường và sức khỏe người trồng do giảm sử dụng thuốc BVTV.

Hồng Thắm

Trạm Khuyến nông Bình Tân, Vĩnh Long