Chương trình phát triển nông dân thông minh ở Thái Lan
Cập nhật lúc 10:16, Thứ năm, 17/06/2021 (GMT+7)
Dự án phát triển nông dân thông minh là một trong những dự án phát triển chính sách của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan. Dự án được thực hiện từ năm 2013 với 12,6 triệu nông dân tham gia. Mục tiêu chính của dự án là cải thiện sinh kế của người nông dân thông qua việc nâng cao kỹ năng và năng lực sản xuất nông nghiệp thông qua chương trình đào tạo, chia sẻ kiến thức và thông tin.
Dự án này đóng một vai trò quan trọng trong việc lan tỏa từ nông dân này đến các nông dân khác. Nông dân thông minh được lựa chọn từ những nông dân chủ chốt có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Mục đích chính của chương trình nông dân thông minh là để nông dân làm việc như những cộng tác viên khuyến nông, họ cũng là những người chuyển giao các kết quả nghiên cứu và phát triển chính sách đến các nông dân lân cận và báo cáo nhu cầu nghiên cứu, các điều kiện sinh thái nông nghiệp quan trọng, cung cấp phản hồi nhanh về tính thực tiễn của các gói công nghệ.
Mô hình nông dân thông minh về sản xuất lúa gạo
Thái Lan có 7.000 Trung tâm Lúa gạo Cộng đồng (CRC). Cục Sản xuất lúa gạo chịu trách nhiệm với các hoạt động nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan chính quyền địa phương nhằm cải thiện điều kiện sản xuất lương thực và sinh kế cho cộng đồng nông thôn và các CRC.
Để áp dụng rộng rãi các công nghệ mới, nông dân thông minh được lựa chọn từ các thôn bản có các CRC (mỗi thôn có khoảng 20 nông dân được lựa chọn; tổng số nông dân được lựa chọn để tham gia Dự án về lúa gạo là 35.000 nông dân). Các nông dân này được tiếp cận các giống lúa mới do chính phủ ban hành và tham gia vào các chương trình đào tạo liên quan đến các công nghệ sản xuất lúa mới.
Tiêu chí lựa chọn nông dân thông minh như sau: Phải là chủ sở hữu đất, có sức khoẻ tốt và trên 25 tuổi, có kiến thức và kinh nghiệm trong sản xuất lúa, sẵn sàng tham gia đào tạo để trở thành một nông dân thông minh, sẵn sàng chuyển giao kiến thức học được cho các nông dân khác, dễ dàng tiếp cận với các nông dân khác cũng như các thành viên của CRC, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với khuyến nông.
Sau khi lựa chọn nông dân thông minh dựa trên các tiêu chí trên, họ được đào tạo về kiến thức kỹ thuật và kỹ năng truyền thông trong thời gian 3 ngày để trở thành một nông dân thông minh.
Chương trình tập huấn chủ yếu tập trung vào các vấn đề sau: kỹ năng giao tiếp hiệu quả; vai trò của nông dân thông minh trong CRC và trong thôn; gói kỹ thuật công nghệ và thực hành nông nghiệp tốt (GAP) về lúa gạo; kỹ năng xây dựng và thực hiện chương trình giảng dạy cho lớp học nông dân tại hiện trường (FFS); kỹ năng chuẩn bị tài liệu giảng dạy, đặc biệt là những nội dung liên quan đến công nghệ tăng sản lượng lúa; kỹ năng thuyết phục, phân tích vấn đề giúp người khác thay đổi hành vi, kỹ năng quản lý về sản xuất nông nghiệp và thị trường; nhận thức về chất lượng sản phẩm và sự an toàn của người tiêu dùng; trách nhiệm với xã hội và môi trường.
Nông dân sử dụng thiết bị thông minh trong sản xuất lúa
Sau khi được đào tạo, nông dân thông minh trở thành tiểu giáo viên ở cấp thôn. Họ được chia sẻ để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của họ cho những nông dân khác ở địa phương./.
Thanh Huyền
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia