Tham dự tọa đàm có các chuyên gia đến từ các cơ quan chuyên môn và các đơn vị sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu lớn trong tỉnh, cùng 100 đại biểu, khách mời và bà con nông dân sản xuất nấm của 03 huyện Sông Lô, Lập Thạch và Tam Đảo.

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nấm hiệu quả. Điển hình như Công ty Nấm Phùng Gia ở xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên với sản phẩm nấm đùi gà, nấm yến, mỗi ngày doanh nghiệp cung cấp cho thị trường cả tấn sản phẩm; Hợp tác xã Nấm Tam Đảo tại thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo có sản phẩm nấm sò tươi, nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi và có cả xưởng sản xuất chế biến ra các sản phẩm cao cấp và tiện dụng như trà đông trùng hạ thảo Hồng Chi Tam Đảo, Cốm Đông trùng hạ thảo Bào Ngư.... Dịp này, các đại biểu đã được trực tiếp tham quan cơ sở sản xuất nấm của 02 đơn vị này.

Hiện nay, diện tích và sản lượng nấm trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, nếu như năm 2018, diện tích trồng nấm chỉ có 0,6 ha, sản lượng 34 tấn thì đến năm 2022 đã tăng diện tích lên 7,66 ha, sản lượng đạt hơn 954 tấn. Sản phẩm nấm ở Vĩnh Phúc được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, ưa chuộng. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế sẵn có, sản xuất nấm ở Vĩnh Phúc đang ở quy mô nhỏ, phân tán, năng suất lao động chưa cao, chưa hình thành được chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng; thị trường tiêu thụ chưa ổn định, xuất khẩu còn ít; giống nấm chưa phong phú, công nghệ sản xuất lạc hậu và thiếu chủ động,…

leftcenterrightdel
 Các chuyên gia trả lời câu hỏi của đại biểu tại tọa đàm

 

Tại buổi tọa đàm, các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia đã tập trung giải đáp nhiều câu hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm liên quan đến chính sách hỗ trợ sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; vai trò của nấm trong sản xuất nông nghiệp; các điều kiện thuận lợi để phát triển nấm, nguyên liệu cần thiết để sản xuất nấm; các loại nấm được thị trường ưu chuộng, dễ tiêu thụ và mang lại hiệu quả kinh tế cao; các mô hình, địa chỉ liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nấm.

Cũng tại buổi tọa đàm các cán bộ chuyên môn đã cung cấp thêm nhiều kiến thức về cách chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đóng gói... sản phẩm nấm hiệu quả và chỉ ra những sai lầm trong trong sản xuất, bảo quản nấm.

Kết luận tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Dương, giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, để phát triển tiềm năng về nấm ăn, nấm dược liệu trên địa bàn tỉnh cần phải tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, áp dụng công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ, tạo thương hiệu nấm; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tạo lập thị trường mới có tiềm năng; tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nấm với nông dân và chính quyền địa phương, hình thành mạng lưới thu mua trực tiếp của các nhà chế biến, xuất khẩu tại các vùng trồng nấm tập trung; tăng cường công tác dự báo thị trường để đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp.

Thu Hà

Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc