Hiện nay, diện tích lúa mùa đang giai đoạn đòng già và trỗ bông, nhìn chung sinh trưởng phát triển tốt; bà con và cơ quan chuyên môn quan tâm phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu vụ, nên đã hạn chế được sâu bệnh. Tuy nhiên, hiện sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 bắt đầu nở chủ yếu đang giai đoạn tuổi 1,2 có mật độ trung bình 21/m2, cao trên 100-150 con/m2 tập trung ở các xã Phù Ninh, Thủy Sơn (huyện Thủy Nguyên); Nhân Hòa (huyện Vĩnh Bảo); An Thái, An Thọ (huyện An Lão); An Hồng, Quốc Tuấn, Đặng Cương (huyện An Dương) và xã Đại Thắng (huyện Tiên Lãng)... Sâu non tiếp tục gây hại trực tiếp bộ lá đòng của các trà lúa đang thấp tho trỗ và chưa trỗ thoát. Bệnh bạc lá lúa, đốm sọc vi khuẩn cũng đang gây hại trên các giống Hương biển 3, Bắc ưu 903, Bắc thơm số 7… trên đồng ruộng tại các huyện, quận. Bệnh khô vằn tiếp tục phát sinh gây hại trên diện rộng, đặc biệt ở các diện tích cấy dầy, bón thừa đạm, thiếu nước; diện tích lúa bị bệnh chủ yếu tập trung vào những hộ dân ít thăm đồng và chưa thực hiện đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn.


Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Hải Phòng đã tổ chức triển khai công tác phòng trừ sâu bệnh hại cho lúa mùa cuối vụ đến tận các hộ nông dân, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các huyện, thành phố phân công cán bộ kỹ thuật tăng cường bám sát đồng ruộng để phát hiện kịp thời các loại sâu bệnh trên lúa, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh nhằm tránh lây lan trên diện rộng. Khuyến cáo nông dân tích cực thăm đồng, khi thấy trà lúa có những dấu hiệu bất thường thì thông báo ngay cho chính quyền địa phương và Trạm Bảo vệ thực vật huyện để được tư vấn cách xử lý hiệu quả.

 

Nguyễn Hương Giang – Trung tâm KNN Hải Phòng