Đặc biệt, xã Xuân Hóa có diện tích đồng bằng lẫn đồi núi cao, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc chăn nuôi, đặc biệt là nghề nuôi ong. Cũng chính từ nghề nuôi ong mà nhiều hộ gia đình nơi đây đã thoát khỏi cuộc sống nghèo khó, vươn lên làm giàu góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Có lẽ vì thế mà “thương hiệu” mật ong Xuân Hóa đã lan tỏa khắp vùng không những nổi tiếng trong tỉnh mà còn được các tỉnh bạn ưa chuộng. Song, có một điều không phải ai cũng biết, có một lão nông đã kiên trì mấy chục năm qua, vượt qua mọi khó khăn, tìm đủ mọi cách để giúp mật ong Xuân Hóa có được “thương hiệu” như ngày hôm nay. Đó là ông Đinh Long.
Chúng tôi đã đến Xuân Hóa vào một này đầu xuân Ất Mùi. Khi chúng tôi hỏi thăm về người nuôi ong lâu đời nhất ở đây, người dân ai cũng hồ hởi, tự hào nói với chúng tôi: “Đó là lão Đinh Long, người thầy dạy nuôi ong của xã”.
Tìm đến nhà lão, đập vào mắt chúng tôi là một vườn nuôi ong với quy mô lớn. Ông Long cho biết, trước kia gia đình ông nghèo lắm, hai vợ chồng ông phải đi chặt củi, làm thuê, ruộng lại ít nên chẳng kiếm được bao nhiêu. Ông có đến 8 người con nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Để cải thiện đời sống, ông theo trai bản vào rừng khai thác mật ong rừng, ngày này qua ngày khác, vượt suối băng rừng. Mật ong rừng thì có hạn, người khai thác thì nhiều, ông liền nảy ra ý định đưa ong rừng về nuôi, nhưng vì chưa có kỹ thuật nên hết lần này đến lần khác ông đều bị thất bại. Đến năm 1996 có chương trình dạy nuôi ong lấy mật tại xã, gia đình ông được chọn để nuôi ong thí điểm. Sau một năm học tập, ông đã biết cách nuôi ong, tách đàn, cứ thế mà đàn ong của ông cứ lớn dần lên về số lượng lẫn chất lượng. Nhờ nuôi ong, gia đình ông thoát khỏi cảnh nghèo đói, 5/8 người con của ông tốt nghiệp đại học.
Ông còn là bậc thầy về tách đàn, mỗi năm gia đình ông có thể nhân giống hàng trăm đàn ong, chuyên phục vụ cho bà con trong và ngoài tỉnh, các dự án, chương trình về nuôi ong lấy mật. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông sản xuất được khoảng trên 700 đàn với giá từ 700 -750 nghìn đồng/đàn. Đặc biệt vài năm trở lại đây, ông còn nghiên cứu và sản xuất thành công sữa ong chúa. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập khoảng trên 100 triệu việc bán ong giống
Chân dung ông Đinh Long, người thầy dạy nuôi ong của xã Xuân Hóa
Sau 20 năm trong nghề, với kinh nghiệm dạn dày ông lại trăn trở “làm sao để mật ong Minh Hóa nói chung và xã Xuân Hóa nói riêng phát triển, được nhiều người ưa chuộng”. Ông truyền dạy cho những người dân xung quanh về cách nuôi ong, cách lấy mật, tạo đàn, làm sao cho mật ong đạt chất lượng nhất. Rồi từ những người dân xung quanh, tiếng tăm về một “người thầy” vươn xa hơn, không còn là phạm vi của một xã mà toàn huyện, toàn tỉnh, và lan ra các tỉnh bạn. Ông như con ong cần mẫn trên chiếc xe gắn máy của mình đi hết xã này qua xã khác, huyện này sang huyện khác giảng dạy cho người dân về nghề nuôi ong lấy mật. Nhiều chương trình, dự án hay tổ chức có lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong, người đầu tiên họ mời chính là ông Đinh Long. Ông còn dạy nghề miễn phí cho những đối tượng như người tàn tật, những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Ông chỉ mong, họ cũng như mình thoát được cái nghèo, có tiền nuôi con ăn học nên người. Có lẽ vì thế mà dù không có bằng cấp, nhưng với 20 năm kinh nghiệm cùng với sự nhiệt tình, tâm huyết, cách truyền đạt dễ hiểu ông đã giúp rất nhiều gia đình đi lên, phát triển đời sống kinh tế từ nghề nuôi ong này. Đối với người nuôi ong, họ xem ông như một người thầy đáng kính.
Hiện tại, lão nông Đinh Long đang là Hội trưởng Hội nuôi ong huyện Minh Hóa, với hơn 300 hội viên. Theo ông Đinh Long, mặc dù mật ong Minh Hóa đã có chỗ đứng trên thị trường, nhưng để “thương hiệu” ăn sâu vào người tiêu dùng thì còn cả một chặng đường dài. Ông và những hội viên sẽ phải cố gắng hết mình để phát triển “thương hiệu mật ong Minh Hóa”…
Thùy Trang
Trung tâm KNKN Quảng Bình