Mục đích của mô hình nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, chống chịu sâu bệnh của giống ngô nếp lai tím Fancy 111 với điều kiện sinh thái của địa phương. Đồng thời, thông qua mô hình còn giúp người dân nắm bắt, tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và tuyển chọn được giống ngô nếp có năng suất, chất lượng đưa vào sản xuất đại trà tại địa phương.

 

Ngô nếp tím Fancy 111 với những ưu điểm nổi trội như khả năng sinh trưởng mạnh, thời gian sinh trưởng ngắn từ 70 – 75 ngày, độ đồng đều bắp cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt đặc biệt với các bệnh như khô vằn, gỉ sắt, đục thân, sâu sám. Là giống có nguồn gốc từ Thái Lan do Công ty Advanta Việt Nam nhập về đã được trồng thử nghiệm thành công tại một số địa phương trong cả nước như Hải Dương, Thanh Hóa, Tây Ninh…

 

Vừa qua, Trung tâm Giống cây trồng & Vật nuôi tỉnh đã phối hợp với Công ty Advanta tổ chức hội thảo đầu bờ tại thôn Nà Dì để kiểm tra, đánh giá hiệu quả mô hình.

 

Theo các nhà chuyên môn, giống ngô nếp lai tím Fancy 111 phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Trong quá trình triển khai thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, bắp to, nhiều hàng hạt, màu sắc hạt đẹp, hạt dẻo, thơm ngon được người tiêu dùng ưa thích.

 

Bà Nguyễn Thị Liêm - hộ dân trực tiếp tham gia mô hình, cho biết: với 0,02 ha trồng 900 cây (theo quy trình hướng dẫn kỹ thuật mật độ 45.000 cây/ha; khoảng cách giữa các cây 28 – 30 cm x 70 cm), ước tính số cây cho bắp là 95% thì gia đình bà có khoảng 855 cây cho thu hoạch.

 

Mô hình trồng thử nghiệm giống ngô nếp lai tím Fancy 111 bước đầu mang lại hiệu quả. Để có cơ sở đánh giá hiệu quả của giống này Trung tâm Giống cây trồng & Vật nuôi tỉnh cần tiếp tục thử nghiệm từ 1 – 2 vụ nữa, trước khi tuyên truyền khuyến cáo nhân rộng giống ngô này ra diện rộng.

 

Ma Thế Sơn - TTKNKL Bắc Kạn