Đồng bằng sông Cửu Long: Phối hợp các biện pháp cứu nhãn nhiễm bệnh chổi rồng
Cập nhật lúc 10:38, Thứ ba, 13/11/2012 (GMT+7)
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, hiện có 16.269 ha nhãn (chiếm hơn 55%) trong 29.226 ha nhiễm bệnh chổi rồng tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được cứu bằng các biện pháp phối hợp canh tác, cơ học, hoá học.
Về biện pháp canh tác, ngành bảo vệ thực vật các tỉnh có diện tích nhãn nhiễm bệnh nhiều (Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long) hướng dẫn nông dân tưới phun nước với áp lực cao trên tán cây, tưới đầy đủ, bón phân cân đối, hợp lý, tránh bón nhiều đạm làm lá phát triển nhiều tạo điều kiện tốt cho nhện phát triển dẫn đến bệnh nhiều và nặng. Biện pháp cơ học là thực hiện cắt tỉa cành nhiễm sau thu hoạch, thường xuyên tỉa tiêu hủy chồi nhiễm bệnh chổi rồng đồng loạt, ngăn các hộ nuôi ong mật di nhập đàn ong từ địa phương khác về nuôi trong các vườn nhãn, vì ong cũng là tác nhân làm phát tán loài nhện lông nhung là môi giới truyền vi rút gây bệnh chổi rồng trên nhãn. Về biện pháp hóa học thì tiến hành phun thuốc trừ nhện, kết hợp giữa Cypermethrin hay thuốc gốc Diafenthiuron với dầu khoáng (DC Tron Plus hoặc SK Enspray 99).
Tại Đồng Tháp, việc cắt tỉa cành sau khi thu hoạch và phun thuốc trừ nhện kết hợp với dầu khoáng vào các đợt ra đọt, ra hoa cho hiệu quả phòng trừ bệnh chổi rồng tốt. Việc phun nước với áp lực cao thì tỉ lệ bệnh giảm so với đối chứng. Việc phun thuốc hoá học được thực hiện luân phiên các loại thuốc trừ nhện có gốc khác nhau để tránh tính kháng thuốc của nhện. Tại Sóc Trăng, nông dân đưa phân hữu cơ vào bón cho cây, kết hợp với phun chế phẩm sinh học Trichoderma vào gốc nhãn, cắt tỉa cành bị bệnh đến khi ra cơi đọt 3 thì bắt đầu xử lý ra hoa. Trong quá trình xử lý nhãn ra hoa, nông dân không sử dụng chất Chlorate kali, mà chỉ xử lý bằng cách khoanh gốc. Phương pháp này đã mang lại hiệu quả cao. Thực hiện theo cách trên, tỷ lệ tái nhiễm bệnh chổi rồng chỉ từ 2-5%.
Tại Cần Thơ, nông dân không đốn bỏ nhãn mà áp dụng biện pháp ghép chuyển đổi giống nhãn xuồng cơm vàng có chất lượng ngon trên gốc nhãn tiêu da bò bị nhiễm bệnh. Nông dân thực hiện tỉa cành trên từng vườn theo kiểu cuốn chiếu, không bỏ sót cây bệnh trong vườn nhãn và phun xịt thuốc trừ nhện một cách đồng loạt và triệt để theo đúng quy trình do Cục Bảo vệ Thực vật khuyến cáo.
Được biết, thời gian qua, bệnh chổi rồng đã gây hại 29.226 ha nhãn tại 7 tỉnh ĐBSCL, trong đó có trên 20.368 ha nhiễm nặng.
TĐ